Phát triển năng lượng biển ở Việt Nam là phù hợp với xu thế của toàn cầu

Đăng ngày: 02-11-2018 | Lượt xem: 1227
(TN&MT) - Tại diễn đàn về các tiến bộ về năng lượng biển (VSOE) diễn ra tại Hà Nội sáng 2/11, Tiến sỹ Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi...
0610 Bộ trưởng phát biểu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham dự một cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức - Ảnh: Việt Hùng 

Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử, truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3200 km và diện tích hơn 1 triệu km2, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện tại và tương lai.

Nhân dịp Diễn đàn này, tôi vui mừng thông báo với các quý vị, ngày 22/10/2018, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra một số chủ trương lớn và khâu đột phá về các ngành kinh tế biển, bao gồm năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Việc tổ chức Diễn đàn lần thứ nhất về tiến bộ năng lượng biển rất kịp thời, là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng biển của Việt Nam và thế giới trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phát triển năng lượng biển. Đồng thời, Diễn đàn góp phần giúp các Bộ, ban, ngành của Việt Nam có thông tin cụ thể, đầy đủ hơn về lĩnh vực này để xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương đã nêu trong Nghị quyết vừa được ban hành.

Vì vậy, tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Tôi hy vọng rằng, Diễn đàn này sẽ là kênh trao đổi thông tin, chuyên môn thường xuyên về lĩnh vực năng lượng biển, qua đó góp phần vào quá trình thực hiện Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Việt Nam.

Kinh tế biển xanh hiện đã dần trở thành xu thế toàn cầu, hầu hết các quốc gia công nhận đây là mô hình để phát triển bền vững biển, trong đó, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những điểm mấu chốt.

Đánh giá về năng lượng biển, theo Tổ chức OECD, năng lượng gió và công nghệ biển xếp thứ 03 . Tại Hội nghị quốc tế tại Ba-li, Indonesia trong các ngày 29-30/10/2018 vừa qua, Ngân hàng Đầu tư châu Âu ECB cho biết năng lượng gió ngoài khơi là điểm sáng của kinh tế biển, mang lại giá trị 3,6 tỷ euro.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, định hướng phát triển điện gió đạt 1% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và 5% vào năm 2050; định hướng phát triển nguồn năng lượng mặt trời đạt 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 30% vào năm 2050.

Vì vậy, phát triển năng lượng biển là phù hợp với xu thế của toàn cầu, cũng như góp phần phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam. Tôi nhấn mạnh một số điểm sau đây:

Một là, tăng cường đầu tư xây dựng khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; phát triển ngành công nghiệp chế tạo phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tiến tới làm chủ một số công nghệ thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị; ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương lớn, đóng vai trò là nền tảng dẫn dắt cho việc khai thác, phát triển năng lượng tái tạo trên biển ở Việt Nam.

Hai là, phát triển năng lượng biển nói riêng bền vững kinh tế biển Việt Nam nói chung và bền vững kinh tế biển Việt Nam nói chung phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá.

Ba là, các vùng biển Việt Nam với rất nhiều tiềm năng về tài nguyên, năng lượng biển. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới bước đầu khai thác sử dụng có hiêu quả năng lượng điện gió tại một số nơi như Bạc Liêu, Phú Quý. Trong tương lai gần, Việt Nam cần huy động nguồn lực trong và ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương để khai thác tiềm năng này, phục vụ phát triển kinh tế biển xanh.

Vì vậy, tôi đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý của Việt Nam và quốc tế tập trung thảo luận một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần có các chính sách, biện pháp, giải pháp như thế nào để tăng cường phát huy tiềm năng về năng lượng biển, đưa tiềm năng này phục vụ hiệu quả quá trình phát triển đất nước, đặc biệt là chính sách về tài chính trong hỗ trợ, đổi mới, sáng tạo nhằm giảm giá thành sử dụng năng lượng tái tạo từ kinh nghiệm của các nước. 

Thứ hai, tham gia đóng góp ý kiến, giải pháp phát triển năng lượng tái tạo biển khi tích hợp, lồng ghép vào Quy hoạch không gian biển trên cơ sở xem xét đầy đủ nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển của các ngành khác nhau nhằm giảm xung đột, bảo đảm hiệu quả sử dụng không gian biển và các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng Quy hoạch này để trình dự kiến trình Quốc hội trong năm 2019. 

Thứ ba, đề xuất được các cơ chế hợp tác, phối hợp nghiên cứu khoa học chung, phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng biển, tiến tới sản xuất các thiết bị, phụ kiện chuyên cho năng lượng tái tạo như: pin lithium-ion tích điện, chuyển đổi điện; các tấm năng lượng mặt trời, tua bin gió, tua bin sóng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Những kết quả thảo luận tại Diễn đàn 2018 và những năm tiếp theo sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển ngành năng lượng biển, phù hợp với xu thế chung toàn cầu, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển ở Việt Nam.

Nhân dịp này, một lần nữa tôi trân trọng cám ơn Ban tổ chức hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, các cơ quan hữu quan của Việt Nam, cũng như các tổ chức cá nhân khác trong thời gian qua đã phối hợp hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên và môi trường nói chung cũng như về phát triển năng lượng tái tạo gắn liền với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển nói riêng.

Tôi mong muốn Diễn đàn ngày càng phát triển để tiếp tục chung tay, góp sức với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

TS Trần Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng,  
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: