Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch nông thôn

Đăng ngày: 10-01-2022 | Lượt xem: 3147
Thời gian qua, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân và nâng cao tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Cán bộ Trung tâm NSH&VSMTNT kiểm tra hệ thống điều hành nước tại Nhà máy nước huyện Nga Sơn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 537 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, có 36 công trình cấp nước tự động và 501 công trình cấp nước tự chảy. Các công trình cấp nước tập trung quy mô cấp xã, liên xã được đầu tư kinh phí xây dựng, lắp đặt và bố trí nhân lực quản lý, vận hành nên hoạt động khá hiệu quả. Còn các công trình cấp nước tự chảy tại miền núi tuy có số lượng nhiều, nhưng quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản và được UBND xã giao cho tổ quản lý vận hành. Trong khi thành viên các tổ này không được đào tạo quản lý vận hành nên hiệu quả không cao; nhiều công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng nhưng không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng.

Trước thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT), các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các công trình kém bền vững, không hoạt động nhằm thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch nông thôn; tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch và VSMTNT, từ đó, có ý thức bảo vệ đầu nguồn nước.

Tại 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nga Sơn, gồm: Nga Tân, Nga Văn, Nga Tiến, Nga Thanh, Nga Yên, Nga Liên và thị trấn Nga Sơn, trung tuần tháng 12-2021 xảy ra tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Được biết, khu vực này do nhà máy cấp nước sạch thuộc tiểu dự án cấp nước sạch cho 9 xã, thị trấn huyện Nga Sơn cung cấp. Sau khi được đầu tư xây dựng, nhà máy nước thuộc quản lý của Trung tâm NSH&VSMTNT. Nguyên nhân được đưa ra là do triều cường dâng cao kèm theo thời tiết khô hạn kéo dài dẫn đến xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, độ mặn trên sông Hoạt tăng cao gây ảnh hưởng tới nguồn nước thô của nhà máy nước sạch cấp nước sinh hoạt cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Trước thực trạng đó, Trung tâm NSH&VSMTNT đã khẩn trương thông báo dừng hoạt động và phối hợp với các đơn vị chuyên môn, địa phương đắp đập ngăn mặn, thau rửa nước nhiễm mặn trên sông, bổ sung nguồn nước ngọt... để khắc phục nhằm bảo đảm nguồn nước cung cấp cho Nhân dân. Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi sát sao, tranh thủ những thời điểm nước đạt chất lượng để tích trữ sản xuất và cung cấp cho Nhân dân, bảo đảm người dân được sử dụng nước hợp quy chuẩn.

Hiện nay, 10 công trình do Trung tâm NSH&VSMTNT quản lý, vận hành đang hoạt động hiệu quả, cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng cho Nhân dân thuộc phạm vi cấp nước của công trình. Theo đó, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đến hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 96,6%. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung là 21,5%, tỷ lệ sử dụng từ công trình nhỏ lẻ 75,1%.

Ông Đỗ Doãn Thành, Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT, cho biết: Để phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sạch nông thôn, trung tâm chú trọng đến đào tạo vững chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ quản lý; xây dựng hệ thống quy chế chặt chẽ về chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch vận hành của nhà máy theo từng lộ trình cụ thể, tránh thất thu và thoát nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tuyên truyền sâu rộng tới người dân về lợi ích sử dựng nước sạch trong sinh hoạt nhằm tăng tỉ lệ sử dụng nước sạch tại nông thôn, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các công trình.

Cùng với đó, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ quản lý, vận hành các công trình cấp nước tự chảy để có nguồn kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng và quản lý vận hành công trình. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình bị hư hỏng trên địa bàn các huyện miền núi để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nguồn: baothanhhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: