Mực nước ở lưu vực hạ lưu sông Mekong thấp kỷ lục

Đăng ngày: 18-08-2020 | Lượt xem: 4039
Ủy hội sông Mekong (MRC) vừa kêu gọi các quốc gia Mekong giải quyết tình trạng các dòng nước thấp trong khu vực do lưu vực hạ lưu sông Mekong (LMB) chịu mức thấp kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp.

Báo cáo khám phá các điều kiện thủy văn ở LMB trong thời gian từ tháng 1-7/2020 của MRC vừa công bố, xác định sơ bộ nhiều nguyên nhân có thể có của dòng chảy thấp và hạn hán trong năm nay. Trong đó có lượng mưa thấp bất thường bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, điều kiện dòng chảy thấp kéo dài từ năm 2019 và lưu lượng nước thấp hơn từ các nhánh sông Mekong.

Theo báo cáo, dòng chảy thấp đã khiến hồ Tonle Sap (Biển Hồ - PV) của Campuchia trải qua “điều kiện cực kỳ khô hạn”, với dòng chảy ngược ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 1997. Hoạt động của các đập dòng chính ở lưu vực thượng lưu sông Mekong và các đập phụ lưu ở LMB có thể đã ảnh hưởng đến điều kiện dòng chảy thấp hiện nay. Tuy nhiên, Ban Thư ký MRC đã không thể có được dữ liệu và thông tin chính thức để xác minh các tác động tiềm tàng của hoạt động lưu trữ ở lưu vực trên.

“Chúng tôi kêu gọi sáu quốc gia Mekong tăng cường chia sẻ dữ liệu và thông tin về các hoạt động đập và cơ sở hạ tầng nước của họ một cách minh bạch và nhanh chóng với MRC” - Tiến sĩ An Pich Hatda - Giám đốc điều hành của MRC kêu gọi, đồng thời cho biết đã đến lúc tiến hành cuộc nói chuyện và hành động vì lợi ích chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Mùa nước nổi, một 'đặc sản' bao đời đang dần trở nên 'xa xỉ' đối với bà con vùng ĐBSCL. Ảnh: CK 

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Bản báo cáo dài 32 trang chỉ ra rằng dòng chảy thấp hiện nay có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Campuchia do mất nguồn thủy sản và tiềm năng tưới tiêu. Việt Nam có thể bị giảm năng suất ở vựa lúa đồng bằng (Đồng bằng sông Cửu Long – PV) và năng suất nông nghiệp ở Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, báo cáo cho rằng có thể có sự mất cân bằng sinh thái do những thay đổi đáng kể về thời gian, mức độ ngập lụt ở hồ Tonle Sap và các vùng ngập lũ xung quanh. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng sinh sản do mất khu vực ương, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá và các loài động thực vật thủy sinh khác. Sản lượng đánh bắt cá giảm được dự đoán, đe dọa an ninh lương thực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trong khu vực.

Tonle Sap là hồ nội địa lớn nhất và có năng suất cao nhất ở Đông Nam Á, được xem là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới và là nhà máy sản xuất cá chính của sông Mekong. Các dòng chảy ngược vào hồ thường xảy ra từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 10, kéo dài trung bình 120 ngày. Tuy nhiên, năm nay, dòng chảy ngược với khối lượng bình thường vẫn chưa xảy ra, mặc dù có hai trường hợp cực kỳ nhỏ đã xảy ra vào tháng 7.

MRC đề xuất các nước thành viên gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam xem xét cảnh báo người sử dụng nước và người vận hành về tình hình để đảm bảo việc sử dụng nước được quản lý cẩn thận nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 không cải thiện đáng kể. Các quốc gia nên tìm kiếm các nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp nước.

Các quốc gia thành viên nên yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và thủy lợi điều chỉnh hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát khả năng xói mòn bờ. Nếu các dòng chảy thấp vẫn tiếp tục, bốn nước nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả “nước bổ sung” như họ đã làm vào năm 2016, để giảm bớt tình hình ở LMB, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới...  

Theo tienphong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: