Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công lần thứ nhất năm 2018

Đăng ngày: 14-03-2018 | Lượt xem: 1116
(TN&MT) - Ngày 8/12, tại thành phố Plei – ku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức họp toàn thể với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, lãnh đạo các tỉnh,...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc cuộc họp

Tham dự Hội nghị còn có Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên.

Hội nghị nhằm kiểm điểm tình hình hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam từ Hội nghị toàn thể của Ủy ban năm 2017 và phương hướng triển khai thực hiện Chương trình công tác của Ủy ban năm 2018; thảo luận phương hướng triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ mới cho tổ chức kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và cập nhật thông tin về tình hình phát triển trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm hoạt động của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Là tỉnh miền núi Tây Nguyên, Gia Lai là một trong 17 tỉnh thuộc lưu vực sông Mê Công. Tỉnh đã được hưởng lợi từ nguồn nước của 02 lưu vực sông và các lợi thế khác mang lại cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh đã quy hoạch và sử dụng hiệu quả nguồn nước lưu vực song Sê San, Sê rêpok là hai sông có nguồn tài nguyên nước phong phú, kết hợp với địa hình dốc được xem là lợi thế trong phát triển thủy điện, thủy lợi, phát triển rừng, tưới tiêu, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt theo hướng hiệu quả tiết kiệm, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội cải thiện điều kiện sinh sống của người dân các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam báo cáo

Chủ tịch Võ Ngọc Thành cũng đánh giá cao vai trò của lãnh đạo và thành viên của Ủy ban sông Mê Công nhất là cơ quan thường trực thời gian qua trong việc đàm phán, trao đổi với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công để giải quyết các vấn đề song biên giới, khai thác và chia sẻ nguồn tài nguyên nước và các vấn đề ưu tiên khác trong lưu vực song Mê Công là thiết thực và hiệu quả.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà nêu rõ: Tiếp theo Hội nghị lần thứ 2 năm 2017 tại thành phố Long Xuyên (An Giang) đến nay diễn biến tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn ngày càng cao hơn. Trong khi sự vận hành của các đập thủy điện trên dòng chính sông Lan Thương ở thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục gây các tác động khó lường, ở Hạ lưu vực sông Mê Công, công trình thủy điện dòng chính Xay-nha-bu-ly đã bắt đầu đi vào hoạt động và công trình Đôn Sa-hông cũng sẽ sớm hoàn thành; các dự án chuyển nước vùng Đông Bắc Thái Lan đang tăng cường khai thác nguồn nước dòng chính sông Mê Công là những ví dụ rõ ràng nhất về sự gia tăng khai thác sử dụng nguồn nước sông Mê Công ở thượng nguồn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và sinh kế của hàng chục triệu dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh cuộc họp

Ý thức được các thách thức nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, ngoài việc chỉ rõ những tác động và nguyên nhân tác động, đã xác định các giải pháp phù hợp trong thời gian tới, trong đó có những nhiệm vụ rất cụ thể cho từng Bộ, ngành thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã có nhiều hoạt động cụ thể, đã kịp thời thực hiện nhiều nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng. Chúng ta đã có đánh giá tổng thể tác động của các công trình thủy điện trên thượng nguồn chủ yếu từ Lào, Campuchia và Thái Lan. Đồng thời, huy động được đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế để giám sát và thường xuyên đưa ra các phản biện đối với các công trình mà các nước ở phía thượng nguồn đang xây dựng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết: Trên cơ sở kết quả thảo luận của Ủy ban của chúng ta tại Hội nghị ở Long Xuyên, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phê duyệt Chương trình công tác của Ủy ban năm 2018, nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được triển khai thực hiện thời gian vừa qua, đó là: 

Dựa trên kết quả từ Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và các Nghiên cứu chiến lược do Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban tiếp tục triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao theo dõi các công trình thủy điện dòng chính Mê Công đang được triển khai xây dựng (của Lào), các công trình thủy điện và chuyển nước dòng chính (của Campuchia và Thái Lan); thực hiện dự án đánh giá các tác động toàn diện các dự án thủy điện, cả dòng chính và dòng nhánh sông Mê Công, kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.

Ủy ban đã tiếp tục triển khai các hoạt động quan trắc diễn biến dòng chảy (cả số lượng và chất lượng nước) ở cửa ngõ sông Mê Công chảy vào Đồng bằng sông Mê Công ở Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc; tổ chức các hoạt động thu thập thông tin số liệu về các hoạt động phát triển ở thượng nguồn; phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án hỗ trợ Lào xây dựng mạng quan trắc khí tượng thủy văn; tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu vùng Lưu vực sông Mê Công của Việt Nam.

Rà soát các hoạt động nghiên cứu đánh giá tác động trong Lưu vực sông Mê Công đã và đang được thực hiện để xây dựng một chương trình nghiên cứu dài hạn và tổng thể nhằm kiến nghị các chủ trương đối sách của ta trong bối cảnh phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Đối với hoạt động hợp tác trong Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, trong thời gian qua Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp tốt với các nước thành viên trong Ủy hội tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức ngày 5 tháng 4 năm 2018 tại Siêm Riệp, Campuchia, trong đó kết quả quan trọng nhất là thông qua một Tuyên bố chung (Tuyên bố Siêm Riệp để định hướng hoạt động cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế cho giai đoạn tới). Ủy ban phối hợp với các Bộ ngành thành viên cũng đã thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố chung về Dự án thủy điện dòng chính Pắc-Beng của Lào nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi của công trình về phía hạ du.

Văn phòng Thường trực đã phối hợp với các Bộ ngành địa phương thành viên Ủy ban xây dựng danh sách các đầu mối giúp việc cho Lãnh đạo và Ủy viên Ủy ban; xây dựng cơ chế và kênh trao đổi thông tin giữa Văn phòng Thường trực và các Ủy viên Ủy ban nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong thời gian giữa các Hội nghị.

Ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã trình bày Chương trình công tác của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2018; Đề án Kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Ủy hội sông Mê Công quốc tế (được tổ chức vào tháng 4/2018).

Theo báo cáo, năm 2018 dự báo tiếp tục là năm có nhiều biến động về khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Mê Công. Biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục là thách thức đối với các ngành sản xuất, đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ven sông, đặc biệt ở thượng nguồn gia tăng mạnh trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu góp phần làm suy giảm dòng chảy trong mùa kiệt, gây ra các biến động dòng chảy mùa chảy, giảm lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long gây các tác động nghiêm trọng như gia tăng xâm nhập mặn, gây sạt lở lòng bờ sông bờ biển, suy giảm hệ sinh thái, sản lượng thủy sản và các ngành kinh tế xã hội khác.

Các quốc gia thượng lưu cũng đang đẩy nhanh các công việc xây dựng các công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công như các công trình thủy điện dòng chính của Lào và Campuchia, các dự án chuyển nước sông Mê Công của Thái Lan và Campuchia.

Ông Lê Đức Trung cho biết, trong năm 2018, hợp tác Mê Công cũng sẽ có những hoạt động quan  trọng, đặc biệt là Hội nghị cấp cao lần thứ 3 của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (tháng 4/2018) để  Thủ tướng Chính phủ của các quốc gia thành viên tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 và mở rộng đối tác chiến lược, tang cường kết nối với các hợp tác khác trong khu vực. Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ năm 2018.

“Trước tình hình gia tăng các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công gây tác động bất lợi tới Việt Nam, năm 2018 Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tiếp tục chuẩn bị và triển khai thực hiện nghiên cứu tác động chi tiết của các phương án phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và xây dựng các biện pháp ứng phó và chủ động đề xuất chủ trương, đối sách của Việt Nam. Ủy ban cũng được giao thực hiện một nhiệm vụ trong Nghị quyết số 120/CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng song Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, xác định các định hướng và giải pháp cho phát triển bền vững ĐBSCL” – ông Lê Đức Trung cho hay.

Nguồn: Báo TN&MT
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: