Chuyện nước ngọt ở “quần đảo bão tố”: Kỳ cuối - Giọt nước ngọt thắm tình quốc tế

Đăng ngày: 03-04-2019 | Lượt xem: 4937
(TN&MT) - “Cảm ơn các bạn đã cứu chúng tôi từ lòng biển cả. Nếu không có nước ngọt của các bạn lọc từ cát và sỏi đá Trường Sa Việt Nam, chúng tôi đã chết khát và chẳng thể trở về. Lòng mến khách của các bạn thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn rất nhiều và chắc chắn chúng ta sẽ gặp lại nhau”. Đó là đoạn trích trong bức thư của nữ phi công Mỹ viết vội cảm ơn cán bộ chiến sĩ Tàu HQ11 cách đây 31 năm về trước. Câu chuyện cán bộ chiến sĩ tàu HQ11, HQ 187 của Lữ đoàn 171 Hải quân nhường phần nước của mình và lọc nước dằn qua cát vàng Trường Sa cho người bạn Mỹ tắm mỗi buổi sáng với niềm tự hào chứa chan
anh 2
Tàu HQ-11 và thuyền trưởng Thượng tá Hoàng Văn Thể.  Ảnh Lê Khanh

Thuyền trưởng nhịn trước chiến sĩ noi theo

11 giờ 15 phút trưa 10/7/1988 như thường lệ, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-11 ăn cơm vừa xong chuẩn bị nghỉ trưa, thì bất chợt phát hiện tiếng máy bay gầm rú phía đông đảo Đá Lớn cách 3 hải lý. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay dạng vận tải quân sự vụt tới lắc lư như có ý xin hạ cánh rồi đâm nhào xuống biển. Tất cả cán bộ chiến sĩ trên tàu chỉ kịp nhìn thấy một luồng sóng trắng xoá, rồi từ đó hiện lên một chiếc phao cao su, trên đó có 3 người.

Tổ công tác tàu HQ -11 nói: “Chúng tôi là cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cứu các bạn”. 3 phi công mừng rỡ lộ rõ trên khuôn mặt. Một phi công nữ nói và ra hiệu chị đang có thai trong bụng ba tháng, xin được cứu chị. Tổ công tác nhanh chóng đưa 3 phi công về tàu HQ-11 và giành tất cả không gian câu lạc bộ sĩ quan cho 3 phi công.

Nữ phi công là Stein Necker nhân viên, còn hai người kia là Richard Kamaurer (chỉ huy tổ lái), và nhân viên Michael Rneel. Họ là thành viên của đoàn bay CT-39-NALO192 thuộc Hải quân Mỹ (Hạm đội Thái Bình Dương). Hôm đó họ đi làm nhiệm vụ từ Singapore đến căn cứ Hải quân Subic (philippines) thì gặp thời tiết xấu, máy bay không thể hạ cánh được, bèn bay vòng ra biển thì gặp nạn.

Vào thời điểm ấy, tàu HQ-11 đi làm nhiệm vụ trên biển xa đã 73 ngày nước ngọt đã cạn. Để có thêm phần nước ngọt cho các bạn Mỹ, Thuyền phó quân sự Hoàng Văn Thể đã phát động phong trào tiết kiệm: “Mỗi người nhịn tắm 7 ngày giành nước ngọt cho 3 phi công, thuyền trưởng nhịn trước, chiến sĩ noi theo”.

Mặc dù nước ngọt ở mức “báo động”, nhưng bằng tất cả tình yêu nhân loại cán bộ chiến sĩ tàu HQ11 đã tiết kiệm tối đa, nhường phần nước của mình cho các bạn Mỹ. Riêng nữ phi công Stein Necker được “ưu tiên” tắm và gội đầu mỗi buổi sáng. Trong 3 ngày ở tàu HQ-11, các bạn Mỹ vẫn được dùng nước ngọt 10 lít/ngày. “Đó là phần nước nghĩa tình của bộ đội Hải quân Việt Nam”- Thượng tá Hoàng Văn Thể nói.

anh 3,,
Chiến sĩ đảo Sơn Ca rửa mặt bằng nước ngọt từ hầm chứa dự trữ.

Cát vàng Trường Sa, lọc ra nước ngọt

Sau khi liên lạc qua đường ngoại giao, sáng 13.7.1988, 3 phi Mỹ được tàu HQ-187 chở về đất liền. Cũng như tàu HQ-11, nước ngọt ở tàu HQ-187 cạn kiệt, chỉ còn lại nước dằn dưới hầm tàu. “Không thể để các bạn Mỹ thiếu nước ngọt”, nghĩ vậy, tối đến, máy trưởng Đại úy Bùi Văn Nhưng đã xuống hầm tàu gạn nước dằn đổ vào cái ang muối dưa, dùng cát vàng lấy từ đảo Đá Lớn để lọc. Sáng ra cái ang muối dưa gần đầy nước trong vắt chừng 10 lít, đủ cho chị Stein Necker tắm và gội đầu.

Trung tá Bùi Văn Nhưng cho biết: “Lúc ấy cả tàu xác định, dù mình khát chứ không thể để các phi công Mỹ khát, vì đó là danh dự, là sự lòng mến khách. Bản thân tôi đã lọc nước dằn bằng cát vàng lấy từ Trường Sa cho chị Stein Necker tắm mỗi sáng, tôi thấy  mình rất tự hào về điều đó”.

Khi tàu HQ-187 cập cảng Nha Trang, chị Stein Necker móc trong túi ra 100 đô la nhã ý xin tặng lại các chiến sĩ Hải quân Tàu HQ-187, nhưng cán bộ chiến sĩ tàu HQ-187 không nhận, chỉ xin chụp tấm hình làm kỷ niệm. Nữ phi công Stein Necker bật khóc, chị xin mảnh giấy, mượn bút viết vội lá thư như thay lời cảm ơn gửi lại tàu, bức thư có đoạn: “Cảm ơn các bạn đã cứu chúng tôi từ lòng biển cả. Nếu không có nước ngọt của các bạn lọc từ cát và sỏi đá Trường Sa Việt Nam, chúng tôi đã chết khát và chẳng thể trở về. Lòng mến khách của các bạn thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn rất nhiều và chắc chắn chúng ta sẽ gặp lại nhau”.     

anh 1
Bút tích của chị Stein Necker hiện đang trưng bày tại phòng truyền thống Lữ đoàn 171 Hải quân Vũng Tàu. Ảnh Lê Khanh

Được biết đứa con trai của người nữ phi công Stein Necker được sinh ra trên đất Mỹ và được chị đặt tên con là HQ11- tên con tàu với những người lính Hải quân dũng cảm đầy lòng nhân ái đã cứu mẹ con chị  thoát nạn giữa đại dương bao la. Nhắc lại câu chuyện lọc nước dằn bằng cát vàng Trường Sa, Trung tá Bùi Văn Nhưng bảo “Đó là những giọt nước ân tình ngời sáng tình quốc tế cao cả”.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: