Cam kết giảm rác thải nhựa: Hành động ngay!

Đăng ngày: 03-04-2019 | Lượt xem: 1221
(TN&MT) - Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Mỗi hành động để quản lý rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa xả ra môi trường cũng là cần thiết và phải làm ngay.

Nhựa chỉ là chất thải nếu không được quản lý tốt

Ở Việt Nam, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa rất kinh khủng; số lượng chất thải nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoáng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó, việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần hiện nay thực sự là gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

quản lý rác thải nhựa 1
Hình ảnh bãi biển ở Thanh Hóa đầy rác trong bài báo trên tờ Reuters tháng 4/2018. Ảnh: Reuters.

Theo Bộ TNMT, việc quản lý, hạn chế nhựa dùng một lần, trong đó có túi nilông, thời gian qua đã có nhiều giải pháp từ tài chính đến truyền thông nhưng chưa thật sự hiệu quả. Về chính sách thuế, hiện mức thuế với túi ni lông đã nâng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chính sách thuế ít tác dụng, các cơ sở sản xuất, tái chế túi nilông khó phân hủy đa số là các cơ sở nhỏ nên gây khó khăn cho việc thu thuế. Các cơ sở này vì vậy tiếp tục hạ thấp giá thành túi nilông.

Thực tế, nhựa không phải là chất thải, nó chỉ được coi là chất thải nếu không được quản lý tốt. Liên quan đến các sản phẩm nhựa: nếu không thể giảm thiểu, tái sử dụng, sửa chữa, xây dựng lại, tân trang, hoàn thiện, tái chế hoặc phân hủy được thì nên hạn chế, thiết kế lại hoặc loại bỏ khỏi sản xuất.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Mặc dù là vấn đề toàn cầu, giải pháp cho quản lý rác thải nhựa phải mang tính địa phương. Nhiều bên liên quan phải hành động, cùng nhau xây dựng một kế hoạch thống nhất (xây dựng kế hoạch hành động). Việc xây dựng Kế hoạch hành động cấp quốc gia hay địa phương là một quá trình chứ không phải chỉ là một tập tài liệu được soạn thảo công phu và sẽ không được sử dụng. Luật pháp về quản lý chất thải rắn ở Việt Nam có nhiều, vai trò của các bên liên quan đã được chỉ ra; vậy tại sao Việt Nam vẫn là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về ô nhiễm nhựa ra đại dương?

Do vậy, vấn đề đặt ra là khi xây dựng Kế hoạch hành động cần phải nghĩ đến việc thực thi và chế tài và xem xét lại về việc thực thi pháp luật. Không có giải pháp nào là duy nhất và triệt để mà phải kết hợp rất nhiều giải pháp cùng nhau và tập trung vào 4 nội dung chính: nâng cao kiến thức, tăng cường năng lực, cải thiện chính sách, và gắn kết sự tham gia của doanh nghiệp. Mặt khác, cần có các lý do và công cụ mang tính kinh tế để hành động.

quản lý rác thải nhựa 2
Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu có lượng rác thải nhựa ra biển lớn nhất. Ảnh minh họa

Đặc biệt, 15 hành động gây ảnh hưởng nhất tại Việt Nam có thể giảm ô nhiễm nhựa đến 89% (FIA) đã được chỉ ra như: hạn chế nhập khẩu; tăng dịch vụ thu gom; cơ sở hạ tầng cống thải; cơ sở tái chế; tăng thuế nhựa giá trị thấp; thị trường trao đổi tái chế; bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới; thay thế các bãi rác chất nguy hại; tối ưu hóa hệ thống vận tải; nhãn tái chế; nhẹ sản phẩm; thiết kế bao bì mới; đóng cửa bãi rác; cấm sản xuất (vd túi nilon); các sản phẩm phân hủy sinh học/thay thế.

Để quản lý nhựa tốt hơn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc cải thiện hệ thống thu gom phù hợp và hiệu quả sẽ có tác động rất lớn với việc giảm thiểu rác thải bị trôi nổi và đi theo sông, suối ra biển - có trách nhiệm của Nhà nước và chuyên nghiệp hóa hoạt động của nhóm thu gom. Cần thiết phân loại rác tại nguồn thông qua các hoạt động giáo dục, thay đổi hành vi , thực thi chính sách…; sự tham gia của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng gói và sản xuất các sản phẩm nhựa, doanh nghiệp tái chế.

Hành động ngay !

60 các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, Tổ chức phi chính phủ đã cùng ký Quy tắc ứng xử Cam kết giảm rác thải nhựa. Hành động chung này chính là tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của chất thải nhựa đối với con người, động vật và môi trường.

Mỗi hành động nhỏ cũng có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường. Vì thế, một số hành động chúng ta cần làm ngay để hiện thực hóa cam kết giảm rác thải nhựa, chẳng hạn như: không mua hoặc sử dụng chai nhựa dùng một lần trong văn phòng, và tìm các giải pháp thay thế cho các cuộc họp và sự kiện; tiến hành đánh giá thực hành văn phòng về lượng chất thải nhựa được tạo ra và đề xuất thay đổi hoạt động để giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; thu hút nhân viên vào việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế các sản phẩm nhựa; khuyến khích các đối tác, nhà cung cấp và dịch vụ chấp nhận giảm, thay thế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa bất cứ khi nào có thể.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: