Trong khi số người thiệt mạng vì lũ lụt vừa qua ở quốc gia châu Âu lên tới gần 200, ở Hà Lan, ngay bên kia biên giới với các khu vực bị tàn phá của Đức và Bỉ, bức tranh hoàn toàn khác.
Hà Lan cũng đã trải qua lượng mưa cực lớn - mặc dù không quá nặng như ở Đức và Bỉ nhưng không chịu quá nhiều thiệt hại. Các thị trấn không hoàn toàn bị nhấn chìm và không hề có thương vong về người.
Giáo sư Jeroen Aerts - người đứng đầu bộ phận Rủi ro về Nước và Khí hậu tại Đại học Vrije ở Amsterdam cho biết, các quan chức đã chuẩn bị tốt và khả năng liên hệ với người dân trong cảnh báo lũ lụt hiệu quả.
Sử dụng túi cát xây bờ chắn lũ sau mưa lớn ở tỉnh Limburg, Hà Lan. Ảnh: CNN
Hà Lan có lịch sử lâu đời về quản lý nước và thành công khi đối mặt với thảm họa này, có thể cung cấp cho thế giới một kế hoạch chi tiết về cách xử lý lũ lụt, đặc biệt khi biến đổi khí hậu được cho là sẽ khiến các hiện tượng mưa cực đoan trở nên phổ biến hơn.
Đất nước này đã chiến đấu với biển và sông trong gần một thiên niên kỷ. 3 con sông lớn ở châu Âu - Rhine, Meuse và Scheldt - đều có đồng bằng ở Hà Lan, và với phần lớn đất liền nằm dưới mực nước biển, Chính phủ Hà Lan cho biết 60% đất nước đang có nguy cơ lũ lụt.
Cơ sở hạ tầng quản lý nước của Hà Lan nằm trong số tốt nhất trên thế giới - bao gồm những bức tường khổng lồ với những bộ phận có thể di chuyển bằng kích thước của hai sân bóng đá, các cồn cát ven biển được gia cố bằng khoảng 12 triệu m3 cát mỗi năm và những công trình đơn giản hơn như đê và cống sông có nhiều diện tích để được mở rộng bằng cách hạ thấp sàn để mở rộng bờ.
Sức mạnh của Hà Lan còn nằm ở khả năng quản trị. Những công trình cơ sở hạ tầng nói trên được quản lý bởi một nhánh của Chính phủ chỉ dành riêng cho các vấn đề về nước - Tổng cục Quản lý Công trình Công cộng và Nước, cơ quan trông coi khoảng 1.500km bờ phòng thủ nhân tạo.
Ông Aerts cũng cho biết, một mạng lưới các cơ quan dân cử địa phương được thiết lập với chức năng duy nhất là chăm sóc mọi thứ về nước, từ lũ lụt đến nước thải. Cơ quan đầu tiên trong số này được thành lập ở TP Leiden vào năm 1255.
“Đây cũng là đặc trưng riêng của Hà Lan”, ông Aerts nói. "Ngoài Chính phủ quốc gia, các tỉnh và thành phố, bạn còn có lớp thứ tư - các ban quản lý nước, hoàn toàn tập trung vào quản lý nước".
Các ban quản lý này có cơ chế thu thuế độc lập, do đó tách biệt với kho bạc quốc gia. "Nước bao gồm cả trong các lĩnh vực khác như du lịch, công nghiệp, xây dựng”, ông Aerts chia sẻ. Ở Hà Lan, các ủy ban quản lý nước được coi như "chất keo" gắn kết các ban ngành lĩnh vực.
Theo báo KinhteDothi