Diến biến Thủy văn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2019 tại Việt Nam

Đăng ngày: 18-06-2019 | Lượt xem: 1009

Khu vực Bắc Bộ

Từ tháng 6 đến tháng 8, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình đã xuất hiện 3-4 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Lũ lịch sử đã xảy ra tại Nà Hừ (sông Nậm Bum), lũ xấp xỉ BĐ2 tại Yên Bái (sông Thao), lũ BĐ1 và trên BĐ1 tại hồ Hòa Bình (sông Đà), Bến Đế (sông Hoàng Long) và Lục Nam (sông Lục Nam).

Lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra tại tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Bắc Kạn.

Dòng chảy trên các sông suối khu vực phía Bắc thiếu hụt so với TBNN từ 25-60%, hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt 50-60%, đặc biệt, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 40-50%.

Mực nước các hồ chứa lớn như: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình thấp hơn rất nhiều so với năm 2018, trong đó mực nước thấp nhất tại hồ Sơn La, thấp hơn năm 2018 khoảng 17m. Tổng dung tích 05 hồ chứa lớn (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà) thấp hơn cùng kỳ so với năm 2018 khoảng 5,25tỷ m3.

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên

Trong tháng 6, mực nước trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ít biến đổi.

Những ngày đầu tháng 7, ở thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Kon Tum xuất hiện lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1,0-4,0m; đỉnh lũ các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An còn dưới mức báo động BĐ1; tại Kon Tum ở mức BĐ1 và trên BĐ1.

Từ 02-05/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trên các sông ở Thanh Hóa đã xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên trên sông Bưởi, thượng lưu sông Mã từ 5-8m, hạ lưu các sông từ 2-4m. Đỉnh lũ trên sông Bưởi ở mức BĐ2, thượng và trung lưu sông Mã ở mức BĐ2, riêng tại Cẩm Thủy trên BĐ3 0,1m; hạ lưu sông Mã còn dưới BĐ1. Trong đợt lũ này đã xảy ra lũ quét tại huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

Từ 06-10/8, do ảnh hưởng của đới gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, kết hợp hội tụ gió trên cao và rìa xa phía Nam dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ, trên hệ thống sông Srêpốk, sông Đồng Nai đã xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên trên các sông từ 1-4m, riêng trên sông Srêpôk tại trạm Bản Đôn biên độ lũ lên là 8,69m. Đỉnh lũ trên sông Srêpốk tại Bản Đôn 176,56m (16h/07/8), trên BĐ3 1,56m; trên sông Đồng Nai tại Tà Lài 114,10m (13h/09/8), trên BĐ3 0,6m. Đỉnh lũ các sông khác ở mức BĐ1-BĐ2. Trong đợt mưa, lũ này tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, Đồng Nai đã xảy ra ngập lụt diện rộng, sạt lở đất nghiêm trọng.

Từ đầu tháng 7 đến nay, mực nước trên các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên nhìn chung ít biến đổi, theo xu thế xuống dần và ở mức thấp. Hiện tại, lượng dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 41-59%; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận thấp hơn TBNN từ 64-92%; riêng trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên lớn hơn TBNN từ 67-74%.

Tình hình hạn hán, thiếu nước: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên tình trạng hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An được cải thiện so với thời kỳ trước. Tình hình hạn hán, thiếu nước vẫn đang xảy ra tại địa phương ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, đặc biệt tình hình hạn hán tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên xảy ra gay gắt hơn, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Tình hình xâm nhập mặn: Tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam. Độ mặn trung bình vùng hạ lưu các sông ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ; đã xuất hiện độ mặn cao nhất trong số liệu quan trắc từ năm 2011-2018.

Khu vực Nam Bộ

Mực nước thượng nguồn sông Mê Công biến đổi chậm, mực nước thượng lưu ở mức thấp hơn TBNN từ 2,5-5,0m, ở trung và hạ lưu ở mức thấp hơn TBNN từ 2,5-3,5m. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) thấp hơn TBNN cùng kỳ khoảng 3,5m, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 là 3,16m; mực nước tại trạm Prekdam (Campuchia) ở mức thấp hơn TBNN 3,12m, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 1,9m.

Từ tháng 6 đến tháng 8, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long tại trạm Kratie thấp hơn TBNN cùng kỳ 48%, thấp hơn năm 2015 là 17% và tương đương năm 2010. Tính đến ngày 12/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 1,66m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,59m, thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0,6-1,23m và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 0,3-0,7m .

Tình hình hồ chứa trong 10 ngày đầu tháng 8/2019

Hồ chứa thủy lợi: Dung tích trung bình các hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đạt từ 19-51% dung tích thiết kế (DTTK); các hồ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đạt từ 17-55% DTTK; các hồ ở khu vực Tây Nguyên đạt từ 50-80%, một số hồ đang chảy tràn.

Hồ thủy điện: Mực nước các hồ chứa thủy điện tại Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thấp, một số hồ đã xuống xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết như: Hương Điền, Sông Boung 4A, Sông Tranh 2, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5; riêng một số hồ ở khu vực Tây Nguyên đang ở mức xấp xỉ mực nước dâng bình thường như: SeSan 4, SeSan 4A, Srepok 3, Đồng Nai 5.

Bản đồ chuẩn dòng chảy (trái) và tỷ chuẩn dòng chảy (phải) tháng 7/2019 khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên

Hải văn

Do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng đã có sóng cao từ 1,5-2,5m, khu vực ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ sóng cao 2,0-3,0m, vùng gần tâm bão đi quan sóng cao 3,0-4,0m. Bão số 3 đã gây nước dâng tại khu vực ven biển Quản Ninh-Hải Phòng, nhưng không lớn, độ cao nước dâng ở mức dưới 0,5m.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và khu vực Giữa và Nam Biển Đông đã có sóng cao từ 3,0-4,0m. Gió mùa Tây Nam cũng gây sóng lớn từ 1,5-2,5m ở vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang.

Những ngày đầu tháng 8/2019 khu vực Nam Bộ đã xảy ra đợt triều cường ở mức cao trong năm. Do triều cường dâng cao, kết hợp nước dâng do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nước dâng do sóng và sóng lớn kéo dài liên tục đã gây ra hiện tượng sạt lở mái đê nghiêm trọng ở vùng biển Tây Cà Mau.

Vụ KHTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: