Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam tích cực tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế

Đăng ngày: 28-01-2021 | Lượt xem: 3589
Công tác Khí tượng Thủy văn (KTTV) là lĩnh vực không có biên giới trong đó tất cả các nước cùng chịu tác động của các loại hình thiên tai có nguồn gốc KTTV và các nước đều cần có thông tin quan trắc và dự báo KTTV trong phòng chống thiên tai (PCTT) và phát triển kinh tế.

       Do đó, công tác hợp tác quốc tế (HTQT) trong lĩnh vực KTTV là rất quan trọng. Trong những năm trước, ngành KTTV hợp tác theo bề rộng trong đó Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động đối với quốc tế về lĩnh vực này và muốn kêu gọi sự tài trợ quốc tế từ khía cạnh tài chính và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, quan hệ hợp tác đã được định hướng đi vào chiều sâu, chúng ta không chỉ thu nhận những thông tin quốc tế, mà chúng ta đã đóng góp cho quốc tế cả về nguồn lực về nhân lực, tài chính và sản phẩm công nghệ. Ngành KTTV đang vươn tầm ra và nâng cao chất lượng của các hoạt động, và có thể khẳng định khả năng dự báo đang tiệm cận với công nghệ, trình độ của nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ngành KTTV nước ta tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác đa phương với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng – Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG), Trung tâm Khí hậu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APCC)… Việc chủ động đẩy mạnh HTQT theo chiều sâu, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và ưu thế công nghệ của các tổ chức đa phương về KTTV đã hỗ trợ việc hiện đại hóa công nghệ dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai KTTV và công tác ứng phó hiệu quả với BĐKH. Ngoài hợp tác đa phương, Tổng cục KTTV cũng đã tích cực triển khai các hoạt động HTQT song phương trong lĩnh vực quan trắc, dự báo và cảnh báo KTTV. Ngành KTTV đã và đang hợp tác chặt chẽ với hầu hết các nước có nền khoa học KTTV phát triển nhất, như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh; thiết lập nhiều kênh thông tin với các nước bạn như Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc để trao đổi thông tin, cùng đưa ra nhận định về dự báo và cảnh báo bão, mưa lớn. Ngoài ra, Tổng cục KTTV đã hợp tác với Cơ quan Khí tượng Phần Lan, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản để đồng bộ hóa, hiện đại hóa và tăng cường năng lực quan trắc của mạng lưới ra đa, trong đó đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ không hoàn lại đối với hai hệ thống trạm quan trắc ra đa ở Vinh và Phù Liễn cùng các hỗ trợ kỹ thuật để các ra đa hoạt động hiệu quả. Hợp tác quốc tế song phương với Hàn Quốc, Na Uy, I-ta-li-a cũng đã giúp ngành KTTV Việt Nam tiếp cận việc xây dựng và sử dụng mạng lưới quan trắc khí tượng tự động, tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo/ dự báo tại các Đài KTTV khu vực.

     Việc tăng cường HTQT đã giúp cho Tổng cục KTTV nâng cao năng lực cán bộ, từng bước xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo, truyền tin theo chuẩn quốc tế. Tham gia các hoạt động HTQT về lĩnh vực KTTV còn góp phần đưa các thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo của Việt Nam đến các quốc gia khác nhau trên thế giới, góp phần khẳng định chủ quyền trên biển và trên đất liền, nơi có những số liệu đo đạc của ngành KTTV Việt Nam vẫn duy trì hàng trăm năm nay.

         Từ năm 2011, WMO đã chính thức công nhận Việt Nam là một mắt xích quan trọng, một thành viên chủ động trong công tác KTTV của thế giới. Bên cạnh việc chúng ta tiếp nhận các số liệu, các trao đổi thông tin kỹ thuật với các nước khác thì Việt Nam đã trở thành Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á, theo đó Tổng cục KTTV sẽ thay mặt cho tổ chức khí tượng thế giới hỗ trợ công nghệ và dự báo cho các nước, như: Lào, Cam pu chia, Thái Lan, Phi lip pin trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm như mưa lớn và gió mạnh. Đây là một nỗ lực và thành tựu lớn của Tổng cục KTTV đã được WMO công nhận đạt chuẩn là Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực. Dự kiến trong 1-2 năm tới, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Trung tâm Hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á. Ngành KTTV đang từng bước trở thành trung tâm hỗ trợ cho công tác đào tạo về dự báo cảnh báo thời tiết nguy hiểm, các hiện tượng lũ, lũ quét và sạt lở đất trên khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc tham dự các hoạt động đào tạo dự báo viên của WMO, các tổ chức đa phương,…Tổng cục KTTV đã đăng cai tổ chức nhiều khóa đạo tạo kĩ thuật nghiệp vụ của WMO về dự báo cảnh báo thời tiết nguy hiểm, các hiện tượng lũ, lũ quét và sạt lở đất. Qua đó, số chuyên gia người Việt Nam được tham gia giảng dạy đang tăng lên qua từng khóa học, qua đó quốc tế đã thấy được rõ hơn vai trò của Việt Nam trong tiến trình phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV toàn cầu. Bên cạnh những đóng góp cho WMO  và những tổ chức trong khu vực, ngành KTTV cũng đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của các nước phát triển và đã có tiếng nói nhất định trong WMO. Về mặt định hướng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp cận theo hình thức đưa các chuyên gia tham gia vào tại những sự kiện qui mô thế giới và đây là chiến lược HTQT mà ngành KTTV quan tâm, chỉ đạo và định hướng sâu sắc.

      Trong thời gian tới, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QLNN về KTTV nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực KTTV; cảnh báo, dự báo sát, kịp thời mọi diễn biến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm như: Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo PCLB, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động xây dựng các phương pháp dự báo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ dự báo, tiến bộ kỹ thuật vào khai thác số liệu điều tra cơ bản và nâng cao chất lượng dự báo KTTV. Xây dựng các phương án tổ chức quan trắc đo đạc và thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thu thập đầy đủ, chính xác, điện báo kịp thời số liệu KTTV và môi trường trong mọi tình huống.

      Tăng cường năng lực dự báo phục vụ KTTV, nhất là dự báo bão, lũ; từng bước nâng cao chất lượng các bản tin dự báo KTTV, đa dạng hóa các sản phẩm dự báo để phục vụ tốt đời sống xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Đảm bảo duy trì hoạt động cho mạng máy chủ và các hệ thống thông tin chuyên ngành KTTV thông suốt trong mọi tình huống. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin chuyên ngành; xây dựng hệ thống quản lý, điều hành, xử lý số liệu KTTV hiện đại phục vụ công tác dự báo. Quy hoạch lại các hệ thống truyền dẫn, luồng dữ liệu của các đơn vị trực thuộc nhằm khắc phục các tồn tại về hiện trạng hệ thống thông tin, tiết kiệm kinh phí và nhân lực duy trì hệ thống. Thiết lập kết nối mạng với Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tăng cường trao đổi dữ liệu, tiếp thu công nghệ và ứng dụng.

      Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào quá trình hiện đại hóa ngành KTTV; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước và các tổ chức thế giới và khu vực, mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Italia, Mỹ, cơ quan Khí tượng Anh, Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu,... nhằm khai thác và phát huy tiềm năng công nghệ, kỹ thuật hiện có, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng có hiệu quả vào nghiệp vụ dự báo và quan trắc KTTV.  Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm và cách phòng tránh như: bão, ATNĐ, lũ lớn, lũ quét, dông, tố lốc nhằm nâng cao hiểu biết của người dân để chủ động phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Lễ ký kết biên bản hợp tác lần thứ 12 Việt Nam – Trung Quốc tại Nam Ninh, Trung Quốc

năm 2018

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: