Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

Đăng ngày: 11-09-2019 | Lượt xem: 1262
ĐBSCL đang đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trở nên khốc liệt và bất thường.

Từ đầu năm đến nay, hầu như các địa phương trong vùng đều ghi nhận tình trạng sạt lở khiến nhà cửa, đất đai, tài sản của người dân trôi sông, hàng chục ngàn hộ dân loay hoay tìm sinh kế.

Chưa khi nào thông tin “sạt lở” lại được nhắc đến nhiều như thời gian qua tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, không chỉ nhà cửa, đất đai mà hàng ngàn hộ dân không nơi nương tựa cũng chỉ vì hậu quả của các vụ sạt lở gây ra. 

sat lo bua vay dong bang song cuu long hinh 1
Đoạn sạt lở thuộc ấp Long Hòa, xã Long An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Sạt lở ngày càng trở nên khốc liệt và bất thường

Nhiều nơi nhà cửa và một số đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ 91 bị sạt lở nghiêm trọng. Không chỉ ở những khu vực có sông lớn mà ngay cả những khu vực sông nhỏ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của sạt lở.

Sống mấy chục năm tại khu vực phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ mà chưa bao giờ chứng kiến sạt lở, nhưng gần đây khu vực này liên tiếp ghi nhận các vụ sạt lở lớn nhỏ làm chia cắt đường giao thông nông thôn, nhiều điểm vào sát mép nhà dân.

Chị Trần Linh Phương người dân sinh sống ở khu vực này chia sẻ, trước đây sạt lở thường xảy ra ở những con sông lớn, nhưng nay sông nhỏ trước nhà cũng bị sạt lở nghiêm trọng, khiến cho sinh kế người dân bị đảo lộn.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang đã ghi nhận 17 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh rạch với chiều dài hơn gần 1.300 m, hàng trăm căn nhà phải di dời khẩn cấp. Trong đó, có 51 đoạn cảnh báo sạt lở, với trên 20.000 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm và hơn 5.400 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp vì nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Đặc biệt mới đây tuyến Quốc lộ 91 tổng chiều dài 142 km, nối từ TP.

Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đã bị sạt lở đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú với chiều dài 85m, gần như toàn bộ mặt đường Quốc lộ sạt xuống sông, buộc địa phương phải ban bố tình huống khẩn cấp khu vực này.

Tại buổi làm việc với tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, vụ sạt lở trên tuyến Quốc lộ 91 rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân và có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở nếu không có giải pháp xử lý căn cơ.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh An Giang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan lập dự án xử lý đoạn sạt lở tuyến Quốc lộ 91 sau đó giao cho các Bộ liên quan xem xét từ nguồn dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Trung ương 10.000 tỷ đồng về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định

Ông Trần Thanh Nhã, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang  cho biết: “Nguyên nhân chính của chỗ sạt lở này là từ bãi bồi đầu ngọn cồn vô Phú Tân đạp xuống đây. Khi khảo sát dòng sông, bãi bồi bên Phú Tân càng ngày càng bồi ra, còn bãi bồi chỗ quốc lộ ngày càng lở. Có thể là ảnh hưởng dòng chảy do khai thác cát mà chúng ta không quản lý được, nên dẫn đến chuyện này”.

Là địa phương cũng đang oằn mình chống đỡ sạt lở, nhiều năm ghi nhận tới hơn 50 vụ sạt lở bờ sông lớn, nhỏ. Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, tỉnh Hậu Giang đã tiến hành kiểm tra, khảo sát toàn tỉnh và đã phát hiện hơn 100 điểm có nguy cơ sạt lở, với chiều dài gần 7 km, cùng hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang Hồ Thanh Triết cho biết: “Tình hình sạt lở ở địa bàn xã Tân Phú Thạnh diễn biến phức tạp. Hiện tại cũng gây khó khăn cho việc đi lại của bà con nên chúng tôi cũng có vận động các hộ dân để tạm cho mượn đất để làm đường đi tạm cho bà con. Tuy nhiên, việc đi vòng vòng cũng rất khó khăn cho bà con trong việc giao lưu hàng hóa cũng như đi lại của học sinh".

Sạt từ sông lớn đến sông nhỏ, đến tận Cà Mau

Sạt từ sông lớn đến sông nhỏ, từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu đến cửa sông ra biển Đông, biển Tây. Theo số liệu thống kê toàn vùng ĐBSCL đã có 564 điểm sạt lở với chiều dài trên 830 km. Trong đó, sạt lở bờ sông có 512 điểm với 566 km, chủ yếu diễn ra theo dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

sat lo bua vay dong bang song cuu long hinh 2
Mỗi năm tỉnh Hậu Giang ghi nhận vài chục điểm sạt lở lớn nhỏ.

Bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, cứ vào mùa mưa bão tình trạng sạt lở lại xảy ra thường xuyên tại tỉnh Cà Mau, không chỉ sạt lở bờ biển làm mất rừng phòng hộ mà mỗi năm tình trạng sạt lở bờ sông, uy hiếp các khu dân cư cũng diễn ra thường xuyên.

Ông Hoàng Đô, 70 tuổi tại khóm 8, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, Cà Mau than thở, bao nhiêu tích cóp để sửa chữa căn nhà trị giá gần 100 triệu đồng nay nằm gọn dưới lòng sông.

“Tôi mong Nhà nước quan tâm, giúp đỡ cho những người bị sự cố như chúng tôi. Làm sao giúp chúng tôi có nơi tái định cư để an tâm làm ăn. Nền nhà tôi 14 m2 nhưng bây giờ lở chỉ còn 4 m2. Vì cuộc sống, chúng tôi cũng phải ở, chứ biết đi đâu”, ông Đô bày tỏ.

Theo chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện, ĐBSCL là nơi phù sa, cát sông Mekong bồi đắp hàng nghìn năm qua, trong quá trình bồi đắp có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở. Tuy nhiên, từ năm 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, hiện nay hơn một nửa chiều dài bờ biển đang bị sạt lở, nhiều nơi mất đến 50m, còn bờ sông thì sạt lở khắp nơi kể cả sông lớn lẫn sông nhỏ.

“Nguyên nhân chính của sạt lở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Kông, tức là sự thiếu cát và thiếu phù sa. Đối với bờ sông, khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nước nhẹ hơn và chảy mạnh hơn, khoa học gọi đây là “nước đói”. Điều này có nghĩa là nước đói phù sa có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực, còn khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn và bờ sông sẽ sụp đổ”, ông Hữu Thiện cho biết.

ĐBSCL đang chứng kiến nhiều điểm sạt lở cả về số lượng cũng như mức độ ngày một trầm trọng. Hàng ngàn hộ dân khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng đang ngày đêm thấp thỏm, lo âu về tính mạng, sinh kế không biết ra sao khi sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại. Vậy đâu là nguyên nhân, gốc rễ vấn đề gây ra sạt lở cho vùng ĐBSCL, có hay không lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về đồng bằng giảm và tình trạng khai thác đang diễn ra là những hệ lụy khiến cho sạt lở vùng ĐBSCL trở nên trầm trọng./.

Theo vov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: