Miền Tây trong cơn khát lịch sử

Đăng ngày: 03-04-2020 | Lượt xem: 2300
Tháng 3.2020, năm tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An đã phải công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Mọi kỷ lục hạn mặn đều bị xô đổ, ĐBSCL đang phải đối mặt với một cơn khát lịch sử...

Thành phố, nông thôn cùng khát

Năm giờ sáng, bà Trần Thị Nga (55  tuổi - TP. Bến Tre) đã có mặt tại điểm cấp nước ngọt miễn phí cách nhà 5km. Để tránh tụ tập đông người vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, bà Nga thức dậy đi từ sớm nhưng đến nơi đã thấy dãy thùng nhựa xếp hàng dài chờ đến lượt. 

“Chưa năm nào dân Bến Tre thiếu nước ngọt như bây giờ”, bà Nga nói. Gần nửa tháng nay, cứ hai ngày một lần, bà lại chạy xe đạp điện với một can nhựa 20 lít đặt ở yên sau tới điểm xin nước. 

Giữa tháng 1.2020, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre dự báo, xâm nhập mặn trên các sông chính tương đương đợt hạn mặn năm 2015-2016. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, độ mặn và mức độ xâm lấn của nước mặn đã vượt xa mốc lịch sử. Nước mặn bao trùm Bến Tre. Công ty cổ phần Cấp thoát nước của tỉnh, nơi cung ứng nước sạch cho các hộ dân thành phố phải đối mặt với tình trạng dù đã qua nhiều công đoạn xử lý nhưng nước vẫn có độ mặn cao hơn 5g/lít, vượt xa ngưỡng cho phép. 

Như nhiều hộ dân khác ở thành phố, trước khi có các điểm cho nước miễn phí do doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ, bà Nga phải mua nước đóng bình với giá gần 20.000 đồng/bình 20 lít. Nhưng không phải lúc nào bà cũng mua được ngay, khi mà nước ngọt trở thành mặt hàng khan hiếm ở thành phố này. 

 Người dân ở tỉnh Bến Tre lấy từng can nước ngọt trong mùa hạn.

“Lâu lắm rồi, tôi chưa biết tắm nước ngọt là gì”, bà Nga tâm sự. Da của bà bắt đầu nổi nốt đỏ ngứa sau một thời gian dài tắm giặt trong nước mặn. Nước ngọt xin hoặc mua về được gia đình bốn thành viên của bà chủ yếu dùng để nấu nướng. Riêng hai đứa cháu nhỏ sẽ được ưu tiên hai gáo nước ngọt “tắm tráng” mỗi ngày sau khi tắm bằng nước máy đã nhiễm mặn. Chúng sẽ đứng trong chậu và bà sẽ giúp từng đứa xối nước lên người. Không bỏ phí, bà Nga tận dụng luôn phần nước trong chậu để tưới cây cảnh hoặc lau nhà. “Giờ có nhiều chỗ cấp nước ngọt miễn phí hơn nhưng chỗ nào cũng giới hạn một người mỗi lần chỉ được lấy 1-2 can nước”, bà Nga kể. 

Cách thành phố Bến Tre hơn 40km, huyện Ba Tri nằm ở đoạn cuối con sông Hàm Luông cũng đang trong tình trạng khát khô. Đối lập với những con kênh đầy nước chạy qua là những đồng ruộng nứt toác và đổi màu bạc trắng do thiếu nước lâu ngày. Hàng ngàn héc ta lúa ngậm đòng cháy khô, nông dân phải cắt bỏ làm thức ăn cho bò. 

“Sông, mương vẫn có nước nhưng dân không thể dùng vì nước mặn chát, lục bình cũng phải chết héo. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa từng thấy nước sông mặn khủng khiếp như lúc này”, ông Ba Lốt (xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri) chia sẻ.

Nghe chính quyền địa phương dự báo xâm nhập mặn sẽ vào sâu trong đất liền từ cuối năm ngoái, ông nông dân 65 tuổi này đã không dám xuống giống vụ lúa đông xuân nhưng ông không ngờ được rằng, mặn năm nay lại kéo dài và độ mặn lại đạt mức lịch sử như vậy. Đàn gà hơn hai trăm con, thu nhập chính của gia đình ông mùa này đang bị đe doạ. 

“Giờ người phải nhường nước ngọt cho gà. Người có thể tắm nước mặn được, chứ gà mà cho dùng nước mặn là bị bệnh, chết ngay”, ông Lốt giải thích. Ông đã khoan giếng tìm mạch nước ngầm nhưng thất bại. Để cứu đàn gà, mỗi tuần ông phải mua nước từ nơi khác chở đến với giá  250.000 đồng/m3 nước. “Một tháng mất một triệu tiền nước là quá lớn với nông dân chúng tôi. Nước mặn đã gần hai tháng, dân chăn nuôi sắp không trụ được nữa”, ông Lốt nói. 

Tháng 2.2020, nước mặn đã lấn sâu 100km vào đất liền ĐBSCL, độ mặn ở nhiều địa phương lên đến 4%o, có nơi lên đến 8%o. Mọi con số đều vượt cột mốc lịch sử năm 2016. Các cống thủy lợi đã lập tức đóng lại để giữ nước ngọt bên trong nội đồng nhưng không ngăn được thiệt hại với nông dân.

Đầu tháng 3, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, các tỉnh Nam bộ bắt đầu bước vào đợt xâm nhập mặn có cường độ mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay. Cũng theo dự báo của cơ quan này, mực nước thượng lưu sông Mekong thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 - 0,5m. Dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 3 đang thiếu hụt so với trung bình chung nhiều năm và năm 2016 từ 5 - 20%. Mực nước Biển Hồ (Campuchia) cũng ở mức thấp, dẫn đến khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều, khiến xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam bộ càng tăng.

Tương lai u ám

“Biết trước là sẽ thất thu nhưng nông dân mà không trồng lúa thì biết lấy gì sống”, bà Lê Thị Uông (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) giải thích cho việc xuống giống bất chấp dự báo của các cơ quan chức năng từ cuối năm ngoái. Hàng ngàn hecta lúa đông xuân của Sóc Trăng rơi vào tình cảnh hấp hối. Năm công ruộng của bà Uông cũng không ngoại lệ. Cây lúa khô gốc. Bông lúa lép xẹp. Bà bỏ mặc luôn cánh đồng.

“Không có cách gì để cứu lúa nữa”, người nông dân dày dạn kinh nghiệm, gắn bó cả đời với nghề trồng lúa, bất lực nói. 

Tình trạng khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền Tây. Ảnh: Báo Thanh Niên

Cũng tại mảnh ruộng này, năm 2016, bà ngồi khóc trên mặt đất nứt nẻ, cây lúa chết khô. Còn vụ đông xuân năm ngoái, bà hồi hộp chờ mưa xuống để đất rửa mặn; cơn mưa đến muộn nhưng cũng đã tưới mát cả cánh đồng. Nhưng lần này, bà thôi không hy vọng.

Tại Tiền Giang, vựa trái cây của miền Tây Nam Bộ, nhiều nông dân buộc phải buông tay với vườn sầu riêng của mình. Không còn khả năng mua nước tưới, ông Tây (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) đành bỏ mặc năm hecta sầu riêng như nhiều hàng xóm của mình. Hạn mặn năm 2016 đã từng làm chết cả mảnh vườn này. Ông Tây phải bỏ lên Bình Dương làm thuê để có vốn khôi phục việc trồng trọt. 

Câu chuyện buồn này có thể sẽ lặp lại với ông khi sau bốn năm được trồng lại, vườn sầu riêng của ông lại đứng trước nguy cơ chết trắng. “Nếu có nước ngọt đầy đủ, đây sẽ là vụ thu hoạch đầu tiên của vườn. Giờ chỉ có mưa mới cứu được nông dân”, ông Tây ứa nước mắt nói, bên cây sầu riêng đã rụng sạch lá.

Theo nguoidothi.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: