Kỷ lục mới về nhiệt độ ở Nam Cực

Đăng ngày: 21-02-2020 | Lượt xem: 1704
Theo Cơ quan dịch vụ khí tượng quốc gia của Argentina (SMN), trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina, được đặt ở mũi phía bắc của bán đảo Nam Cực, đã thiết lập nhiệt độ kỷ lục mới của khu vực này là 18,3°C vào ngày 6 tháng 2 vừa qua, đánh bại kỷ lục cũ 17,5°C vào ngày 24 tháng 3 năm 2015

Tổ chức Weather and Climate Extremes Archive của WMO (tạm dịch: Cơ quan lưu trữ số liệu về khí hậu và thời tiết cực đoan) sẽ xác minh xem đây có thực sự là một kỷ lục mới cho lục địa Nam Cực, vùng đất chính của lục địa hay không.

“Tất cả mọi thứ chúng ta chứng kiến đến nay đều cho thấy những dấu hiệu hợp lý về việc này nhưng tất nhiên chúng ta sẽ có đánh giá chính thức một khi chúng ta có dữ liệu đầy đủ từ SMN và về các điều kiện khí tượng xung quanh hiện tượng. Kỷ lục mới này dường như liên quan (trong thời gian ngắn) đến cái mà chúng ta gọi là hiện tựợng "phơn" trong khu vực: chỉ việc gió sau khi vượt qua núi trở nên khô và nóng”, theo Randall Cerveny. báo cáo viên của Cơ quan lưu trữ số liệu về khí hậu và thời tiết cực đoan, WMO.

Các nhà khoa học đang xem xét về mức nhiệt độ kỷ lục của Nam Cực

Việc xác minh kỷ lục mới về nhiệt độ này rất quan trọng vì nó giúp chúng ta xây dựng được một bức tranh toàn cảnh về thời tiết và khí hậu ở một trong những mũi cực của Trái đất. Nam Cực, giống như Bắc Cực, rất khó quan sát từ các trạm quan trắc về dự báo thời tiết, mặc dù cả hai khu vực đều đóng vai trò quan trọng trong các mô hình khí hậu, đại dương và mực nước biển dâng.

WMO đang tìm cách thu thập dữ liệu nhiệt độ thực tế cho một trạm kiểm soát trên đảo Seymour, một phần của chuỗi đảo ngoài bán đảo Nam Cực. Giới truyền thông cho rằng các nhà nghiên cứu đã đo được nhiệt độ 20,75°C. Theo ông Cerveny, vẫn còn quá sớm để nói rằng nhiệt độ Nam Cực đã vượt quá 20°C.

"Trước tiên, việc phân tích siêu dữ liệu từ các trạm rất quan trọng, ví dụ: vị trí, thiết bị, phương pháp đo lường, hiệu chuẩn của các thiết bị, v.v.) và dữ liệu từ các nhà nghiên cứu có liên quan. Một khi chúng ta có những dữ liệu đó, chúng ta có thể bắt đầu đánh giá chính thức. Tuy nhiên, việc hoàn thành các nhiệm vụ đó không thể nhanh chóng (đặc biệt là với các trạm thời tiết ở vùng cực xa) nên có thể sẽ mất một thời gian trước khi Cơ quan lưu trữ số liệu về khí hậu và thời tiết cực đoan, WMO có thể đưa ra đánh giá dự kiến về quan sát này. " ông Cerveny cho hay.

Bán đảo Nam Cực (mũi phía tây bắc gần Nam Mỹ) là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất của Trái đất, nhiệt độ tăng gần 3°C trong 50 năm qua. Lượng băng bị mất hàng năm từ dải băng ở Nam Cực tăng ít nhất sáu lần trong khoảng thời gian từ 1979 đến 2017. Hầu hết các vụ mất băng diễn ra do tan chảy các thềm băng từ bên dưới, do sự xâm nhập của nước biển, đặc biệt là ở phía tây Nam Cực và ở vĩ độ thấp hơn dọc theo bán đảo và ở phía đông Nam Cực.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://public.wmo.int/en/media/news/new-record-antarctic-continent-reported

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: