Khai mạc phiên họp lần 7 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan

Đăng ngày: 09-04-2019 | Lượt xem: 4920
(TN&MT) - Ngày 9/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng vương quốc Hà Lan, phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan - Bà Cora Van Nieuwenhuizen.
LCP VN HL 3
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện phái đoàn Hà Lan và Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan, đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam và Vương quốc Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Kể từ đó, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Lĩnh vực này càng được ưu tiên thúc đẩy từ khi Việt Nam và Hà Lan ký Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước vào tháng 10/2010. Qua 6 Phiên họp, hai Bên đã thiết lập được cơ chế hợp tác song phương mới, toàn diện cho 2 lĩnh vực quan trọng nhưng cũng rất phức tạp là thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

LCP VN HL 4
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng khẳng định, quản lý nước và thích ứng với khí hậu là những lĩnh vực phức tạp, có tính liên vùng, liên ngành, đặc biệt đối với những vùng có đặc tính mẫn cảm, dễ bị tổn thương như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam hay các đồng bằng của Hà Lan.

Kể từ sau Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ năm 2017 tại Vương quốc Hà Lan, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực, chủ động, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết quốc tế trong triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất, nhiều khó khăn trong quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

LCP VN HL 1
Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cora Van Nieuwenhuizen phát biểu tại phiên họp

Với kinh nghiệm và thế mạnh của Hà Lan về quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước và phát triển các mô hình sinh kế bền vững trong thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục là bài học quý giá cho Việt Nam để xây dựng bộ máy điều phối liên ngành, liên vùng hiệu quả; quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước và quy hoạch bảo vệ môi trường; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm thực biển và sụt lún đất; thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đô thị và phát triển năng lượng tái tạo…

“Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết ở cấp cao đối với Thoả thuận đối tác chiến lược, chỉ đạo các Bộ, ngành cùng chung tay góp sức để sự hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển và thành công”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Đề cao việc Việt Nam đã thực hiện rất nhiều hoạt động kể từ phiên hop trước, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị quyết 120, Bộ trưởng Cora Van Nieuwenhuizen cho rằng, Việt Nam đã thể hiện sự tinh tế trong việc định hình các kế hoạch cho tương lai của đồng bằng sông Cửu Long. Các Bộ, ngành đã làm việc tích cực để thực hiện Nghị quyết và triển khai các kế hoạch hành động.

LCP VN HL 9
Bộ trưởng Trần Hồng Hà điều hành phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu

Phía Hà Lan cũng đã làm việc với các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, KH&ĐT, Xây dựng. Về tổng quan, Hà Lan hỗ trợ Việt Nam trong ba lĩnh vực. Về hệ thống quản trị, các hoạt động nhằm cải thiện phương thức quản lý, lập kế hoạch tổng hợp, phối hợp các hoạt động ưu tiên và tài trợ dài hạn đối với các thách thức trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước.

Về kiến thức, Hà Lan hỗ trợ các hoạt động về chia sẻ, trao đổi kiến thức và giúp các trường đại học cải thiện chương trình giảng dạy. Về các hoạt động thí điểm và thực tiễn mới bao gồm xây dựng các dự án nhỏ về quản lý tài nguyên nước có thể được nhân rộng và từ đó xây dựng các chính sách.

Các lĩnh vực này được triển khai thông qua hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tư vấn chiến lược. Cả ba phương thức cung cấp các lựa chọn nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác song phương của Việt Nam và Hà Lan.

Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan - Bà Cora Van Nieuwenhuizen khẳng định tính cấp thiết trong thích ứng BĐKH và quản lý tài nguyên nước hiện nay. Cả hai quốc gia đều đang đối mặt với những thách thức to lớn từ tác động của biến đổi khí hậu, đòi hỏi một nhận thức có tính cấp thiết cao trong xây dựng các giải pháp cũng như trong việc ra quyết định và quá trình thực hiện.

Không làm gì không còn là một lựa chọn. Giảm thiểu và thích ứng với BĐKH là vấn đề cần được đẩy mạnh trong các chương trình nghị sự chính trị. Cả Việt Nam và Hà Lan đều có thể trở thành một phần của nhóm các quốc gia mũi nhọn toàn cầu, thúc đẩy mục tiêu và có những hành động quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau - bà Cora Van Nieuwenhuizen nhấn mạnh.

Tại phiên họp, hai bên đã trao đổi, cập nhật về các chính sách triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước và Ý định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi có quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hợp tác chính đã ký kết thực hiện tại Phiên họp lần trước và đề xuất các hoạt động hợp tác mới, cụ thể hơn trong giai đoạn tới.

TTg Lê Công Thành
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Phiên họp 

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 09/4/1973. Từ những năm 1990, quan hệ hai nước đã được tăng cường. Hiện nay, Hà Lan xem Việt Nam là đối tác ưu tiên và chính sách thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nhận được sự ủng hộ và thống nhất cao của chính giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan.

Quan hệ Việt Nam - Hà Lan là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ta và Hà Lan phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. 

Đáng chú ý, hai nước Việt Nam - Hà Lan đã thiết lập Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước (10/2010, có Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động, đến nay đã họp sáu phiên, hoàn thiện Đề án đồng bằng sông Cửu Long) và Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (6/2014). Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan.

Về quan hệ kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USĐ. Hà Lan là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam với 318 dự án, đạt hơn 9,3 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư của Hà Lan hoạt động hiệu quả như: Damen (đóng tàu), Heineken (bia), Unilever (chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm), Royal Dutch Shell (khai thác và phân phối dầu khí), Philips (điện tử),…
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hà Lan đang phát triển rất tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan lần này là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ song phương, là dịp để các lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi biện pháp thắt chặt quan hệ chính trị - ngoại giao, tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác đang được triển khai, đặc biệt trong hai lĩnh vực Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu - Quản lý nước và nông nghiệp bền vững - an ninh lương thực.

 

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: