Khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng ở Đồng Tháp

Đăng ngày: 14-08-2019 | Lượt xem: 1817
Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và tài sản của người dân.

Từ năm 2018 đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh ghi nhận 52 vụ sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu, thuộc 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố, với tổng chiều dài sạt lở 28,5 km, diện tích sạt lở 17,98 ha. Thiệt hại về vật chất ước tính hơn 43 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, sạt lở đã làm chết một người dân ngụ khóm Sở Thượng, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, vào đầu tháng 5/2019.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng và người dân khẩn trương xử lý hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng “nuốt chửng” 5 ngôi nhà tại ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, ngày 15/7. 

Ngay sau khi xảy ra các vụ sạt lở, các ngành, địa phương trong tỉnh đã vận động và hỗ trợ 409 hộ ở vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh còn hơn 6.290 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần di dời đến nơi ở mới an toàn.

Không chỉ vậy, tình trạng sạt lở xảy ra ở một số sông, kênh rạch nội đồng trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến khó lường. Thống kê từ năm 2018 đến nay, sạt lở nội đồng đã xảy ra tại 34 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, với tổng chiều dài 19.199m, diện tích sạt lở 35.275m2, ảnh hưởng trực tiếp đến 24 hộ dân. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về vật chất ước tính hơn 7,7 tỷ đồng.

Về nguyên nhân các vụ sạt lở, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho rằng, sạt lở chủ yếu do tác động của dòng chảy trên các sông. Sạt lở thường diễn ra ở khu vực các cù lao, nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như khai thác cát không đúng quy định; xây dựng các công trình trái phép; neo đậu bè cá và nuôi thủy sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ; phương tiện giao thông chạy với tốc độ lớn dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn.

 

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhận định, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp đến cuối năm 2019, đặc biệt các đoạn bờ sông thuộc các xã Thường Phước 1, Long Thuận, Phú Thuận A  thuộc huyện Hồng Ngự; xã Tân Bình, An Phong, Bình Thành của huyện Thanh Bình; xã Tịnh Thới, Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Phường 6 ở thành phố Cao Lãnh; xã An Hiệp, huyện Châu Thành… Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch 187/KH-UBND nhằm ứng phó và khắc phục sạt lở bờ sông.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới. Các phương án phải bám sát theo phương châm “bốn tại chỗ” và yêu cầu “ba sẵn sàng”, tập trung vào việc tổ chức theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo và thông tin tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh. Các xã, phường, thị trấn tiếp tục vận động và hỗ trợ các hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh đến nơi an toàn; đồng thời ứng phó kịp thời và khắc phục nhanh các hậu quả do sạt lở gây ra.

Ngoài các cụm tuyến dân cư đã thực hiện ở giai đoạn 2, các địa phương cần tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các cụm, tuyến dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân vùng sạt lở. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng...

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: