Cần tính đến giá trị sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 08-11-2018 | Lượt xem: 972
(TN&MT) – GS.TS Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu cho rằng, trong cuộc chiến với chống biến đổi khí hậu có những giải pháp để thực hiện...

Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đối khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Dù còn không ít khó khăn, song Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với những kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế….

Thông qua hàng loạt Kế hoạch hành động quốc gia (NAP), kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 và thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu

Tại Họp báo Diễn đàn Hà Nội 2018 với chủ đề “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh” chiều 7/11, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu cho biết, trong quá trình phát triển bền vững, hay phát triển nói chung thì chúng ta vẫn phải duy trì giá trị cốt lõi sống còn thì khả thi hơn.

gs ts Mai Trọng Nhuận

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu (giữa) tại Họp báo Diễn đàn Hà Nội 2018

GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, trong cuộc chiến với chống biến đổi khí hậu nhiều lúc có những giải pháp để thực hiện nhưng lại không tính đến việc sự duy trì bền vững của một hệ thống nào đó, chỉ đạt được việc giảm nhẹ thiên tai nhưng không tính đến giá trị sống còn. Đây chính là một cảnh báo mới.

Để ứng phó BĐKH, GS.TS  Mai Trọng Nhuận đưa ra một số giải pháp ưu tiên phù hợp với bối cảnh thực tế của Việt Nam. Trước hết, nước ta có nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ chưa cao, giải pháp phù hợp nhất là phát triển nguồn nhân lực thông minh về BĐKH, từ bậc cử nhân, thạc sỹ cho đến tiến sỹ…từ đó nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao sức sáng tạo xã hội.

Bên cạnh đó là các giải pháp về khoa học, xây dựng khái quát nên những mô hình từ thực tiễn và hoàn thiện nó lên. Ví dụ như mô hình chung sống không ngoan với lũ, bão, hạn mặn nâng lên thành mô hình chung sống khôn ngoan với BĐKH. Sáng tạo ra những công nghệ ứng phó BĐKH giá rẻ phù hợp với Việt Nam.

Một giải pháp bao trùm vô cùng quan trọng là đổi mới, sáng tạo về thể chế, chính sách. Đây là giải pháp mở đường cho phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, tri thức. Đây được coi là giải pháp quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

“Hãy coi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một business mang tính toàn diện, hướng duy trì và hồi phục lại nguồn vốn để đầu tư”, GS.TS Nhuận kêu gọi.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: