Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường như dông lốc, mưa đá, sét đánh rất dễ có thể xảy ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến người, tài sản, hoa màu.

Để hiểu rõ hơn về cơn dông, chúng tôi đã có trao đổi với chuyên gia Nguyễn Thanh Bình, Dự báo viên phòng dự báo số và viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

PV: Thưa bà, những ngày qua xuất hiện mưa dông gây thiệt hại về người và tài sản, cơn dông đấy có đặc điểm gì?

Trong cuối tuần vừa qua, không chỉ riêng Hà Nội mà rất nhiều các tỉnh phía Bắc đã có đợt mưa dông, một số nơi ghi nhận có mưa đá, ngay trung tâm Hà Nội đã có rất nhiều cây cối bị gãy. Đợt mưa dông này có một hệ thống thời tiết là vào mùa tháng 4, tháng 5 ở khu vực phía Nam Trung Quốc đã có dải mây gây thời tiết xấu. Chính dải mây này tạo ra mùa mưa mai ở Trung Quốc, dải mây này chịu tác động của các luồng khí khác nhau, luồng không khí ở phía Bắc xuống dải mây sẽ dịch xuống phía Việt Nam của chúng ta một chút gây mưa, làm dao động xuống khu vực miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ cuối tuần.

Theo thống kê của chúng tôi, trên nền nhiệt từ 21/3 - 20/4 nền nhiệt phía Bắc cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 2-3 độ. Chính vì vậy, với dải thời tiết xấu và dịch chuyển xuống trên nền nhiệt độ nóng sẽ kích thích quá trình hoạt động của mây đối lưu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan Trong phòng chống mưa dông có những đặc điểm khác với các hệ thống thời tiết khác như bão, gió mùa là những hệ thống quy mô lớn; dông là những hệ thống quy mô nhỏ. Một đám mây dông có thể có phạm vi vài km cho tới vài chục km, một góc này thành phố có thể mưa dông, gió giật mạnh nhưng góc khác có thể là trời nắng. Chính vì phạm vi mưa dông nhỏ như vậy cho nên thường chúng tôi phải quan sát trên ảnh vệ tinh, đặc biệt là ảnh rada thời tiết. Thời gian vòng đời của một đám mây dông rất ngắn khoảng từ 4-6 giờ, thời gian để gây thời tiết cực đoan có khi chỉ diễn ra trong khoảng vài chục phút. Với sự xuất hiện bất ngờ như vậy gây ra các hiện tượng dông tố, lốc không nhỏ, thậm chí có những trận dông làm cho cây cối đổ còn nhiều hơn cả một cơn bão.

Mưa dông khiến cây đổ ngày 20/4 (Ảnh: Chuyện của Hà Nội)

PV: Vậy có những lưu ý gì khi cơn dông tới không thưa bà?

Khi có những hiện tượng nguy cơ xuất hiện dông tố, lốc, trong các bản tin dự báo thời tiết của chúng tôi đều cảnh báo nguy cơ; chúng ta phải quan sát những diễn biến thời tiết bởi vì sự chủ động quan sát sẽ giảm thiểu thiệt hại. Khi nhìn thấy bầu trời mây bắt đầu kéo đến, gió bắt đầu thổi mạnh lên, cảm giác hơi lạnh và ẩm nhiều khả năng cơn dông sẽ xuất hiện. Ở những vùng trống trải và những nơi tụ tập đông người cơn dông xuất hiện rất nguy hiểm vì vậy nên tìm những nơi tránh trú an toàn, không nên đứng gần những cột sắt, những cột kim loại, cũng không nơi trú dưới những gốc cây to và cũng không nên túm tụm lại mà nên tản ra để tìm chỗ trú an toàn. Việc cộng đồng chủ động phòng tránh rất quan trọng, chính điều đấy sẽ quyết định mức độ giảm thiệt hại.

Đặc biệt trong thời gian giao mùa tháng 4, tháng 5, tháng 6 là thời kỳ chúng tôi gọi là mùa dông, tần suất dông xuất hiện rất nhiều, đặc biệt từ tháng 5 cho đến đầu tháng 6 là thời kỳ nền nhiệt độ rất nóng khả năng dông nhiệt sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Nguyên lý hình thành dông nhiệt: vào những ngày nắng nóng kéo dài, ánh nắng mặt trời chiếu xuống làm nung nóng khiến bầu không khí dãn nở ra tạo ra một vùng áp thấp kích thích tầng đối lưu phát triển. Dông được phân theo từng nguyên nhân, dông nhiệt thường xuất hiện vào ngày nắng nóng, buổi chiều khi nóng đã đủ trong thời gian ban ngày là động lực và nhiệt lực. Động lực là do các hệ thống thời tiết tác động còn nhiệt lực là vào những buổi chiều do nhiệt độ nắng nóng.

Tạp chí KTTV