Nâng cao chất lượng nghề 'đo gió đếm mây' trước thách thức biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 23-03-2020 | Lượt xem: 6940
Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các loại thiên tai ngày càng dị thường hơn, cực đoan hơn cả về tần suất lẫn cường độ, đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác dự báo khí tượng thủy văn.

Nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2020, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) về vấn đề này.

Ngày Khí tượng thế giới năm nay có chủ đề “Khí hậu và nước”. Xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề này?

Ngày 22/3 và ngày 23/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới. Năm nay, Ngày Nước thế giới có chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu” và Ngày Khí tượng thế giới có chủ đề chính là “Khí hậu và nước”. Như vậy, chúng ta có thể thấy “nước - khí hậu - biến đổi khí hậu” là những thách thức lớn của toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, ba nhân tố này có mối liên hệ mật thiết mà chúng ta cần phải quản lý, theo dõi, giám sát thống nhất và kết nối mới có thể giải quyết được những thách thức liên quan đến Khí hậu và nguồn nước đang đem lại cho thế giới.

Khẩu hiệu chính của Ngày Khí tượng thế giới năm nay là “Đong đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước” thể hiện rõ vấn đề quan tâm, định hướng và những hành động thiết thực của Tổ chức Khí tượng thế giới hưởng ứng chủ đề “Khí hậu và nước”.

Chú thích ảnh
TS. Hoàng Đức Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT). Ảnh: TC.

“Đong đếm từng hạt mưa” tức là chúng ta phải quan trắc, đo đếm tỉ mỉ lượng nước, lượng mưa ở toàn cầu và khu vực nhằm có cơ sở dữ liệu phong phú, đầy đủ phục vụ cho mục tiêu quản lý tài nguyên nước. 

Đối với “Chắt chiu từng giọt nước” hàm ý chúng ta cần chủ động trước những tác hại để mọi người không bị bất ngờ trước những cơn lũ lụt, thông tin về hạn hán cần phải được biết trước... Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và nguồn nước được sử dụng chung trong quy mô toàn cầu phục vụ cho mục tiêu an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.

Như vậy, thông điệp của khí tượng thế giới là chúng ta cần quan trắc đầy đủ tất cả diễn biến của thời tiết, trong đó có lượng mưa, lấy thông tin đầu vào cho việc xử lý, quản lý tối ưu nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ khí tượng thủy văn càng trở nên quan trọng. Ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành đang phải vượt qua?

Những năm vừa qua, thiên tai liên quan đến KTTV rất bất thường, như vậy quy luật KTTV có nhiều thay đổi, trong khi đó hệ thống quan trắc của chúng ta dù thời gian qua có nhiều phát triển, tuy nhiên chưa đủ thực sự để nắm bắt được toàn bộ diễn biến KTTV ở quy mô toàn quốc. 

Hiện nay, hệ thống quan trắc KTTV quốc gia có khoảng 1.500 trạm, trong đó đa số quan trắc thủ công, do vậy vừa thiếu, vừa kém hiện đại nên áp lực lên cho nguồn nhân lực của KTTV, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa là rất lớn.

Theo đánh giá mới nhất, mạng lưới trạm KTTV hiện có 1458 trạm/điểm so với Quy hoạch 90 của Chính phủ là 5.515 trạm, mới đáp ứng được khoảng 27%. Như vậy, hệ thống trạm quan trắc KTTV hiện còn rất thưa, một trạm khí tượng chỉ có thể quan trắc được những gì xảy ra xung quanh bầu trời bán kính 10 - 20 km trong khi ở nhiều nơi, các trạm này cách nhau từ 50 - 100 km. Dọc theo bờ biển nước ta dài hơn 3.000 km mới chỉ có 30 trạm khí tượng bề mặt, ngoài biển khơi mật độ trạm cũng quá thưa, cả khu vực biển Đông chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên các đảo. Thiết bị đo phục vụ cho quan trắc chủ yếu vẫn là thủ công, thiết bị quan trắc tự động chưa được trang bị nhiều, do đó chưa đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo đòi hỏi ngày càng cao và chính xác hơn.

Cùng đó, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam nói chung, hiểu biết của chúng ta về khí quyển, đặc biệt là khí quyển gió mùa ở Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghệ dự báo, cảnh báo và truyền tin còn nhiều hạn chế. Đa số công nghệ này đều được phát triển dựa trên mô hình công nghệ nước ngoài dẫn đến tính phù hợp cho Việt Nam chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Nguồn nhân lực đối với ngành KTTV cũng là vấn đề còn nan giải của chúng tôi hiện nay. Một ngành khó khăn, hoạt động ở các vùng miền khác nhau, thu nhập lại không cao dẫn đến không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, quy trình kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn về quan trắc KTTV, dự báo, cảnh báo KTTV còn thiếu cần được bổ sung kiện toàn…

Vậy, để công tác dự báo có thể ứng phó tốt với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, ngành KTTV mà cụ thể là Tổng cục đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Để giải quyết những khó khăn này, Tổng cục KTTV đã có nhiều giải pháp khác nhau. Trước hết, đối với hệ thống quan trắc, chúng tôi đã đề xuất những điều chỉnh và đưa ra hệ thống mạng lưới trạm tối cần thiết cho giai đoạn đầu, lấp vào chỗ còn hạn chế, đặc biệt là vùng ven biển, hải đảo. Đồng thời, huy động nguồn dữ liệu ở các quan trắc chuyên dùng của các bộ ngành địa phương ngoài hệ thống quốc gia để đảm bảo phần nào dữ liệu quan trắc ở Việt Nam

Song song với đó, chúng tôi đầu tư rất nhiều trạm Radar để phủ sóng toàn quốc và khi đó sẽ khắc phục phần nào tình trạng thiếu dữ liệu bề mặt ở trạm đo những vùng đầu nguồn các con sông

Về khoa học công nghệ dự báo, chúng tôi tích cực đầu tư nghiên cứu, Việt Nam hóa mô hình dự báo, phù hợp với các vùng miền và sử dụng nhiều mô hình khác nhau đưa ra kết quả tối ưu nhất.

Về nguồn nhân lực, Tổng cục cố gắng tận dụng nguồn nhân lực hiện có, đào tạo lại và cử nhiều đoàn chuyên gia cán bộ trong nước sang học tập tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới để thu nhận kiến thức về quản lý hệ thống thiết bị tự động, vận hành thiết bị Radar hiện đại và các mô hình dự báo hiện đại phức tạp mà chúng tôi được trang bị.  Các chuyên gia này sẽ đào tạo các nhóm cán bộ rộng hơn ở trung ương rồi lan tỏa về các địa phương, với các bước như vậy, hi vọng thời gian tới chúng tôi sẽ có đội ngũ chuyên gia dự báo từ trung ương đến địa phương đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Cùng với đó, Tổng cục cũng tích cực hợp tác quốc tế để có sự trợ giúp về kĩ thuật, công nghệ dự báo của các nước tiên tiến, cùng nhau dự báo thời tiết, khí hậu là mục tiêu chung của tất cả các nước thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới mà Việt Nam luôn nêu cao tinh thần của một thành viên tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai KTTV, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo từ các nguồn tin chính thống, chủ động lên phương án phòng tránh khi có nguy cơ xảy ra thiên tai tại khu vực mình sinh sống.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo baotintuc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: