Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo
Dự án SPI-NAMA tại TP.HCM giai đoạn 2015 - 2017 đã kết thúc vào cuối năm 2017. Dự án đã đạt được nhiều kết quả bước đầu như: hướng dẫn về kiểm kê phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Sở TN&MT TP.HCM, với sự hỗ trợ của các chuyên gia dự án SPI - NAMA cũng đã chủ động xây dựng và thực hiện một số dự án thí điểm về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi thành phố.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án SPI-NAMA lần thứ tư ngày 29/11/2017, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất triển khai giai đoạn mở rộng của dự án đến tháng 01/2019 nhằm hỗ trợ TP.HCM và các Bộ, ngành tham gia dự án thực hiện hiệu quả các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, đồng thời chuẩn bị cho TP.HCM các căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng các chính sách về giảm nhẹ khí nhà kính trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết: Giai đoạn 2018 - 2020 là một giai đoạn bản lề vô cùng quan trọng trước khi Việt Nam bước vào giai đoạn cam kết cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Là một thành phố năng động bậc nhất của cả nước với nhiều hoạt động đô thị hóa, sản xuất công nghiệp cũng như thương mại - dịch vụ, TP.HCM là địa phương có tiềm năng tương đối lớn đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn tương đối mới mẻ và chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố nên thành phố sẽ còn phải khắc phục rất nhiều khó khăn khi triển khai công tác này.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Trong giai đoạn 2018 - 2019, dự án SPI-NAMA sẽ hỗ trợ TP.HCM phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của thành phố với trọng tâm các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm dự án tăng cường hiệu quả năng lượng cho tòa nhà ở TP.HCM. Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm kê khí thải nhà kính cấp thành phố và tiếp tục xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho ngành giao thông.
Nguồn: Báo TN&MT