Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và BĐKH, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: TP.HCM là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của tình trạng BĐKH. Dễ dàng nhận thấy nhất là tình hình thời tiết như các trận mưa cực đoan, mưa trong thời gian ngắn với vũ lượng lớn gây ngập sâu một số khu vực hay hiện tượng nắng nóng gây gắt, đảo nhiệt tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe người dân.
“Để thực hiện hiệu hiệu quả ứng phó với BĐKH, TP.HCM cần tập trung vào những giải pháp thích ứng, đồng thời lập kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất, nước, năng lượng, xử lý chất thải; phát triển phương tiện giao thông công cộng sử dụng công nghệ mới giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường; tăng diện tích mảng xanh đô thị”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Quốc Bằng cho biết thêm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và BĐKH, Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Với diễn biến ngày càng phức tạp và tác động nghiên trọng của BĐKH đối với sự phát triển đô thị, TP.HCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm ứng phó BĐKH dài hạn với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: C40, JICA. Trong khuôn khổ hợp tác với C40, TP.HCM đã có Thư cam kết thúc đẩy các hành động ứng phó với BĐKH.
Cũng theo ông Mai Tuấn Anh, nghiên cứu do C40, Viện Khí hậu mới (Đức), Hiệp ước toàn cầu của các thị trưởng về khí hậu và năng lượng đồng thực hiện cho thấy những chính sách phù hợp ở đô thị về ứng phó BĐKH sẽ giúp thế giới tiết kiệm hàng tỷ USD hàng năm như: tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí tại các hộ gia đình cũng như giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách phát triển dịch vụ giao thông công cộng giúp người dân tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí, giúp giảm tỷ lệ tử vong sớm do bệnh tật và tai nạn giao thông.
Hiện nay, Công ty CP RCEE - NIRAS, Đơn vị được C40 lựa chọn hỗ trợ tư vấn, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của quá trình xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH trên địa bàn TP.HCM. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chuyên gia Năng lượng và Quy hoạch, Công ty CP RCEE - NIRAS cho biết: “TP.HCM đã xác định ứng phó BĐKH là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó thực hiện đồng thời cả thích ứng với ứng phó BĐKH và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
TP.HCM cũng đã xác định 10 lĩnh vực kinh tế - xã hội cần ưu tiên trong thực hiện ứng phó BĐKH, gồm: quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, và du lịch. Có thể nhận thấy kế hoạch hành động ứng phó BĐKH được Thành phố lồng ghép trong các chính sách để thực hiện một cách hiệu quả, lâu dài”.
Ông Joselito Guevarra, Đại diện C40 Khu vực Đông Nam Á cho biết: C40 kết nối 94 thành phố lớn trên thế giới để thực hiện hành động mạnh mẽ vì khí hậu, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn và bền vững trong tương lai. Thị trưởng của các thành phố thành viên C40 cam kết thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris ở cấp địa phương cũng như mục tiêu chung là làm sạch bầu không khí toàn cầu. Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất về tăng trưởng đô thị và tiếp tục có tốc độ mở rộng nhân khẩu nhanh chóng, bốn trong số các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi BĐKH nằm trong khu vực này, gồm: Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Cũng theo ông Joselito Guevarra, C40 đang hợp tác với năm thành phố khu vực Đông Nam Á thông qua Chương trình kế hoạch hành động vì khí hậu, xây dựng năng lực để thực hiện các kế hoạch hành động vì khí hậu dài hạn và dựa trên tình hình thực tế; thực hiện các hành động chuyển đổi để ứng phó BĐKH bằng cách giảm khí thải từ các tòa nhà, giao thông, sản xuất năng lượng và quản lý chất thải, đồng thời tăng cường khả năng xử lý các tác động của BĐKH thông qua việc thích ứng.
Riêng với TP.HCM, C40 thực hiện hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH với nhiều chương trình, dự án khác nhau, hướng tới mục tiêu đến tháng 12/2020, Thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn tiếp theo.
Theo Báo TN&MT