Đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp
Theo đó, Chương trình hành động tổng thể đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính, bao gồm: 1- Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; 2- Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; 3- Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; 4- Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; 5- Đầu tư và phát triển hạ tầng; 6 - Phát triển và huy động nguồn lực.
Trong đó, về rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đã dẫn đến giảm sức mạnh tổng hợp của cả vùng. Tập trung vào các cơ chế, chính sách có tính liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện trong giai đoạn trước mắt và giai đoạn sau năm 2020.
Rà soát, sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh, hiệu quả cao và bền vững; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của từng vùng và tiểu vùng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Về xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm thủy sản-cây ăn quả-lúa, gắn với các tiểu vùng sinh thái.
Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo gắn liền với phát triển rừng và bảo vệ bờ biển trong toàn khu vực; phát triển dịch vụ - du lịch thành một ngành kinh tế mạnh dựa trên khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đặc điểm tự nhiên, sinh thái, nét đặc trưng văn hóa và con người vùng ĐBSCL.
Về đầu tư và phát triển hạ tầng, các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý. Ưu tiên các công trình cấp bách, công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; chú trọng đến cả các giải pháp công trình và phi công trình.
Thực hiện ngay những nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư để triển khai thực hiện ngay ở giai đoạn sau năm 2020.
Bảo vệ bờ biển, củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, kết hợp với hệ thống thủy lợi, hệ thống kè phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn bờ sông, bờ biển bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng. Đầu tư các kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn, phát triển rừng ngập mặn phục vụ bảo vệ hệ thống đê biển, đê sông, phát triển sinh kế sinh thái gắn với rừng.
Phát triển hệ thống đô thị và diểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; bảo đảm nhà ở an toàn trong điều kiện ngập lụt, khô hạn, bão, lũ, giông, lốc, nước biển dâng. Trước mắt đầu tư, xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; thí điểm xây dựng mô hình nhà, công trình phòng, tránh lốc, bão... Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên các công trình giao thông tại các vùng có nguy cơ cao về ngập lụt; các công trình phục vụ kết nối, trung chuyển thúc đẩy vận tải đa phương thức tại các tỉnh ĐBSCL. Đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các khu xử lý chất thải rắn; đẩy mạnh các hoạt động tái chế, tái sử dụng và sản xuất năng lượng từ rác cho vùng ĐBSCL theo định hướng phát triển bền vững.
Về phát triển nguồn nhân lực, Chương trình quy định rõ các nhiệm vụ phát triển và huy động nguồn lực bao gồm nâng cao nhận thức; khoa học và công nghệ; tài chính và hợp tác quốc tế. Trong đó nhận mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm tăng cường nhận thức từ các cấp lãnh đạo tới doanh nghiệp và người dân về những cơ hội của các mô hình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Phân chia nhiệm vụ theo từng giai đoạn cụ thể, trước mắt 2020 tập trung giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển và sụt lún đất.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, tập trung thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đã nêu trọng Nghị quyết số 120/NQ-CP. Trong đó ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất trong vùng đang diễn ra rất nhanh và ngày càng trầm trọng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giai đoạn 2021 – 2030, dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của giai đoạn đến năm 2020, trọng tâm của giai đoạn này tập trung vào việc triển khai các nhiệm vụ, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt đồng thời xúc tiến những dự án, nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản đòi hỏi những nguồn kinh phí lớn. Các nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030 là triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, quy hoạch được xây dựng và phê duyệt ở giai đoạn đến năm 2020; duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu liên ngành, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long; triển khai thực hiện mô hình kinh tế hợp lý đã thí điểm thành công; tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, phát triển và huy động nguồn lực.
Trong tâm của giai đoạn này là đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình chuyển đổi kinh tế đã được thí điểm thành công. Trong đó, các dự án đầu tư để chuyển đổi mô hình kinh tế của vùng nhằm phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có vai trò quan trọng cần được ưu tiên.
Giai đoạn 2031 – 2050, phát huy hiệu quả và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án, nhiệm vụ của giai đoạn đến năm 2020 và 2021 – 2030, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp để đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kinh tế và mạng lưới hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, thích ứng với điều kiện tài nguyên nước và an toàn trước thiên tai.
Thủ tướng giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL, UBND TP.HCM theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình hành động tổng thể; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo và kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về BĐKH các biện pháp cần thiết để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động tổng thể.
Bộ TN&MT cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình hành động tổng thể; kịp thời báo cáo và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp giải quyết những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện ở Trung ương và địa phương, bảo đảm việc triển khai Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể.
Theo Báo TN&MT