Theo các nguồn tin, phái đoàn của gần 200 quốc gia cuối cùng cũng đã tìm được sự đồng thuận về cơ chế hướng dẫn quy định chung, được xây dựng để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về việc giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24), ông Michal Kurtyka nói: “Cùng nhau triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu là trách nhiệm lớn của các nước. Một chặng đường dài đã qua. Chúng tôi đã nỗ lực nhất để không có ai bị bỏ lại phía sau."
Trước đó, đa số các nước thành viên đều tái khẳng định sự ủng hộ đối với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC).
Tuy nhiên, bất đồng đã nảy sinh giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt liên quan tới cách diễn đạt trong báo cáo của IPCC, vạch ra những lý do cần phải giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở dưới ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cũng như giảm lượng khí phát thải nhà kính.
Một bất đồng nữa là cách thức xác định mức độ hỗ trợ cho các nước đang chịu nhiều thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP 24 diễn ra trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết và lượng khí thải carbon toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Theo một báo cáo của Đại học East Anglia (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Dự án Carbon toàn cầu, lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ tăng hơn 2% so với năm 2017, lên 37,1 tỷ tấn CO2, chủ yếu do gia tăng sử dụng than, dầu và khí đốt.
Dự kiến, Chile sẽ là nước đăng cai tổ chức hội nghị tiếp theo COP 25 vào cuối năm 2019. Bộ trưởng Môi trường Chile Carolina Schmidt xác nhận thông tin này trong một cuộc họp báo bên lề COP 24.
Theo kế hoạch ban đầu, Brazil sẽ là chủ nhà của COP 25, tuy nhiên Chính phủ nước này vừa quyết định rút lui vào cuối tháng 11 vừa qua./.