Những thách thức của biến đổi khí hậu
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012, cuối thế kỷ 21, nước biển dâng khoảng 1m, theo đó khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển Miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh bị ngập trong nước.
Tổ chức hội nghị Phổ biến các kiến thức và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh
Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn nhất đổi với nhân loại, sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đổi với công nghiệp và hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm…
Với quy mô dân số Việt Nam khoảng 100 triệu dân vào năm 2020 và mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, do đó nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho sản xuất, giao thông vận tải và sinh hoạt là rất lớn. Việc tăng cường quản lý phát thải khí nhà kinh cũng như đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu, sử dụng tiết kiệm, phát triển các nguồn năng lượng mới đang được tập trung triển khai ở nước ta.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh, gắn biến đổi khí hậu với phát triển bền vững cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình cấu trúc nền kinh tế xanh, ít các-bon và phát triển bền vững của đất nước.
Nhiều bể nước hộ gia đình được xây dựng tại 3 xã thuộc huyện Cẩm Thủy từ nguồn vốn dự án CBA
Nhằm từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh cho cán bộ quản lý các cấp trong công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường tổ chức hội nghị Phổ biến các kiến thức và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu vào 3 ngày (từ ngày 26 đến ngày 28/11) tại Thanh Hóa cho 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tại hội nghị PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã nêu một số nội dung cơ bản sau: Cơ sở khoa học của Biến đổi khí hậu (BĐKH); Các định hướng, chiến lược, chính sách và chương trình liên quan đến BĐKH của Việt Nam; Xác định các nguồn phát thải khí nhà kính và khả năng giảm phát thải. Đồng thời đánh giá tác động của BĐKH và đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành/lĩnh vực và giải pháp ứng phó theo ngành.
Hiệu quả từ dự án CBA ở huyện Cẩm Thủy
Cùng với Hội nghị, Ban tổ chức đã tổ chức đưa các đại biểu đi tham quan mô hình thử nghiệm về giảm thiểu và thích ứng với tác động tiêu cực của BĐKH tại xã Cẩm Tâm, Cẩm Châu, Cẩm Vân huyện Cẩm Thủy.
Dự án thực hiện với mục tiêu: “Nâng cao năng lực ứng dụng đa dạng các giải pháp cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai/ thời tiết cực đoan để phát triển bền vững cho cộng đồng các dân tộc vùng dự án thông qua việc tiếp tục cải thiện, nâng cấp và chuyển giao kỹ thuật các mô hình đã thành công tại dự án CBA xã Cẩm Tâm, Cẩm Châu, Cẩm Vân”. Dự án được thực hiện trong 2 năm (1/1/2015-31/12/2016).
Dự án CBA hỗ trợ vốn vay cho người dân thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản cải thiện sinh kế
Có thể nói kết quả lớn nhất của dự án đến thời điểm hiện tại đó là truyền tải cho người dân về kiến thức trong quản lý tài nguyên nước, hiểu biết trong việc phòng ngừa và ứng phó với BĐKH, nâng cao hiệu suất kinh tế trong việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn, thông qua tập huấn khuyến nông-lâm-ngư cho cán bộ và cộng đồng địa phương...
Đồng thời dự án cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông như: nói chuyện, đối thoại về BĐKH, nói chuyện ngoại khóa về giáo dục học sinh an toàn trong thiên tai tại các trường học, tập huấn quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng và tập huấn cho các bộ xã, thôn trong việc nâng cao năng lực lập kế hoạch có sự tham gia. Từ đó, dự án đã hỗ trợ địa phương lập được các báo cáo đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 có lồng ghép vấn đề ứng phó với BĐKH kể cả việc tham vấn cộng đồng.
Kết quả trên 1360 lượt người (có 35% là phụ nữ) là cán bộ, cộng đồng dân cư tại ba xã tham dự các khóa tập huấn và truyền thông. Hơn 157 hộ gia đình với 710 nhân khẩu được hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình đang thực hiện của dự án.
Dự án CBA đã góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của chính quyền và người dân địa phương về tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững của địa phương. Xây dựng mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm hạn chế tác hại của hạn hán và lũ quét thông qua việc tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước (thu trữ nước mặt và nước mưa), đất (hạn chế thoái hóa đất), và đa dạng sinh học nông nghiệp (sử dụng các giống lúa chịu hạn của địa phương). Hỗ trợ vốn vay cho người dân thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản cải thiện sinh kế và các hộ dân vùng hay ngập lụt có điều kiện mua bể thu trữ nước inox phục vụ sinh hoạt.
Tại xã Cẩm Tâm: 20 bể nước quy mô hộ gia đình đã được xây dựng, trong đó 15 bể được xây dựng theo kiểu truyền thống bằng gạch xây, 5 bể được xây dựng theo công nghệ mới bằng bê tông vỏ mỏng, để trữ nước mưa sử dụng trong các tháng mùa khô, hanh. Do có hiệu quả rất thiết thực, nên đến nay đã có gần 40 hộ xây bể nước theo mô hình trên để thu trữ nước mưa và nước mó, với quy mô bể chỉ từ 2m3- 5m3, riêng hộ ông Quách Quý Quynh (xóm Thủy Thanh) đã xây bể có dung tích đến 120m3.
Đã đào đắp đươc 3,714 km mương đồng mức tại 2 khu vực: khu vực sườn đồi phía tây đập Hon Cóc và khu vực sười đồi phía trên trường tiểu học và trung học cơ sở của xã, đồng thời khơi thông các rãnh dọc (mương doc) để dẫn nước lũ ra phía hồ và các khe suối tự nhiên. Trồng 16.000 cây keo lai trong khu vực xây dựng mương đồng mức kết hợp với trồng xen cây sắn trong những năm đầu. Qua các trận mưa lớn, hệ thống mương đồng mức đã phát huy hiệu quả, hạn chế được ngập úng và sạt lở cho các khu vực trường Tiểu hoc và THCS và đường đi lại của người dân trong khu vưc. Đồng thời thử nghiệm các công thức luân canh trong mô hình nông nghiệp.
Đây là dự án đầu tiên về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, được thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp nhưng đã đạt được những kết quả rất khả quan, các mô hình ứng dụng có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, phù hợp với điều kiện địa hình và trình độ dân trí của người dân vùng trung du miền núi của tỉnh và cần được nhân rộng ở nhiều địa phương khác.
Nguồn: Báo TN&MT