Khoản hỗ trợ tài chính trên sẽ được dành cho các dự án liên quan tới lĩnh vực phát triển năng lượng địa nhiệt tại Indonesia, phủ xanh thêm cho các thành phố tại châu Âu và Trung Đông, cũng như bảo vệ các cộng đồng ven biển ở Ấn Độ.
Trong khuôn khổ cuộc họp kéo dài 4 ngày tại Bahrain, kết thúc hôm 20/10 vừa qua, các quan chức GFC cũng nhất trí nỗ lực tìm kiếm các khoản đóng góp mới vào năm 2019 khi nguồn ngân sách ban đầu của khoảng 6,6 tỷ USD của quỹ này sẽ sớm được giải ngân hết.
Các đại biển tham dự còn góp ý về đề xuất của nước chủ nhà Bahrain trong việc tiếp nhận ủng hộ nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên nước sạch tại quốc gia vùng Vịnh này.
Các nhà môi trường học chỉ ra rằng Bahrain có thể tự chi trả cho dự án trên bằng nguồn tiền thu được từ nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào của nước này. Do vậy, GFC chỉ phê duyệt 2,1 triệu USD trong đề xuất chi 9,8 triệu USD cho Bahrain triển khai dự án này.
Cũng tại cuộc họp, GFC đã tạm hoãn đưa ra quyết định về đề nghị của Trung Quốc muốn được nhận hỗ trợ tài chính của quỹ do những quan ngại từ phía Nhật Bản và Mỹ về khả năng nguồn tiền này có thể được sử dụng để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu công nghệ mới.
Vốn đóng vai trò then chốt trong các chương trình phát triển liên quan vấn đề khí hậu, GFC, có trụ sở tại Hàn Quốc, ban đầu ước tính tiếp nhận khoảng 10 tỷ USD đóng góp của các quốc gia giàu trong năm 2018.
Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại 2 tỷ USD trong số 3 tỷ USD theo cam kết đóng góp của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama đã khiến nguồn quỹ của GFC sụt giảm đáng kể.
Cuộc họp mới nhất tại Bahrain được tổ chức nhiều tuần trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Katowice của Ba Lan thảo luận tương lai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.
Việc tài trợ cho các quốc gia đang phát triển nhằm giảm thiểu và thích ứng với hiện tượng Trái Đất ấm lên cũng là trọng tâm thảo luận của hội nghị này./.
Nguồn: TTXVN