Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, triều cường tạo sóng lớn, làm các đoạn bờ biển Cửa Đại bị xâm thực nghiêm trọng
Bờ biển Cửa Đại dài 3,5 km, trong những năm qua, do biến đổi khí hậu, triều cường, rồi một số nguyên nhân khác đã gây sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn đã lấn sâu vào đất liền tới 35-50 mét.
Ngay từ những tháng đầu năm 2018, do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh từ cuối tháng 1/2018, kết hợp triều cường tạo sóng lớn, làm các đoạn bờ biển Cửa Đại bị xâm thực nghiêm trọng, đặc biệt bờ kè bê tông được đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương hơn 22 tỷ đồng, dài hơn 700 mét, được xây dựng từ năm 2015-2016 nhiều đoạn bị sạt lở, có nguy cơ cuốn trôi xuống biển...
Tiếp đến đầu tháng 4/2018, tuyến bờ kè bằng bê tông cốt thép nằm giữa 2 khu resort Fusion Alya và Sunrise (phường Cửa Đại, TP. Hội An) bị sóng biển tấn công dữ dội.
Nhiều đoàn kè cứng liên tục bị sóng biển đánh tan tác trong thời gian qua.
Thời điểm này, tuyến kè cứng kéo dài hơn 700m đã xuất hiện 2 điểm sạt lở hết sức nghiêm trọng với hơn 10m bờ kè bị sóng biển quật tan tác. Những khối bê tông to tướng sau khi đổ sập đã bị nước biển nhấn chìm và cuốn trôi.
Sóng lớn tiếp tục đánh sạt lở đoạn kè bê tông dài khoảng 20 mét, tạo thành hố sâu, chỉ cách đường ĐT603 khoảng 10 mét, đây là vị trí rất xung yếu, có nguy cơ cắt đứt đường giao thông ra Cửa Đại. TP. Hội An đã khẩn cấp xử lý tình trạng sạt lở đoạn kè này bằng túi nhựa và đổ cát nhằm hạn chế việc biển xâm thực sâu và lan rộng đoạn kè liền kề.
UBND tỉnh đã tổ chức hợp khẩn và mời chuyên gia đi khảo sát đưa ra phương án sửa chữa tuyến kè bị sạt lở
Vài ngày sau, chính quyền tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp khẩn nhằm nắm bắt chi tiết tình hình cũng như lên phương án sửa chữa tuyến kè bị sạt lở.
Tại đây, đại diện Trung tâm Trắc địa công trình và địa chính đã liệt kê hàng loạt các nguyên nhân khiến công trình kè cứng liên tục bị sóng biển đánh tan tác trong thời gian qua, như: Khu vực kè không hội tụ cát; công trình ở vùng mực nước thường xuyên thay đổi dưới tác động của dòng chảy, sóng gió liên tục; môi trường có nhiều tác nhân làm hư hại bê tông…
Kết quả sau cuộc họp khẩn, tháng 6/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định đầu tư 28 tỷ đồng, để khắc phục, sửa chữa đoạn kè bê tông dài hơn 700 mét, dự án được triển khai từ tháng 7/2018, theo kế hoạch đến tháng 9/2018 sẽ hoàn thành. Dự án do Ban Quản lý các dự án Hội An là chủ đầu tư.
Ngay sau đó, công tác sửa chữa được tiến hành cho kịp ứng phó mùa mưa bão 2018
Mục tiêu dự án nhằm khắc phục tình trạng xâm thực bờ biển, bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản. Qua đó, góp phần ổn định đời sống cho hơn 6.200 hộ dân phường Cửa Đại, chủ yếu làm nghề dịch vụ thương mại du lịch, chỉ có khoảng 30% làm nghề ngư nghiệp, hơn 200 hộ dân nằm trong danh sách nhà ven sông có nguy cơ ngập lụt, gần 70 ngôi nhà tạm và doanh nghiệp, khách sạn đang đầu tư kinh doanh dọc bờ biển.
Gần 3 tháng bắt tay vào thi công, tỉnh Quảng Nam đã dựng nên “bức tường thành” kiên cố nhằm ngăn cản sóng biển đe dọa trong mùa mưa bão.
Ngày 23/11, trả lời với báo chí, ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục tuyến kè bị sụt lún, hư hỏng cần sửa chữa dài hơn 714m cơ bản đã hoàn thành.
Công tác khắc phục tuyến kè bị sụt lún, hư hỏng cần sửa chữa dài hơn 714m cơ bản đã hoàn thành
"Đơn vị thi công đang dốc sức hoàn thành dứt điểm những hạng mục nhỏ còn lại nhằm đảm bảo an toàn cho kè cứng Cửa Đại khi bước vào mùa mưa bão. Giờ đây, kè cứng không những được gia cố mà phần kè mềm chắn sóng từ xa cũng hỗ trợ rất tốt cho việc ngăn ngừa sóng biển tấn công"- ông Hùng nói.
Hàng chục khối bê tông trải dài tuyến bờ kè cũng góp phần ngăn cản sức công phá của sóng biển. Nhờ vậy, dù sóng biển có cao đến đâu thì cũng không thể nào vượt qua những "bức tường thành" kiên cố này. Tuy nhiên, trước tình hình khí hậu biến đổi thất thường như hiện nay, không thể lường trước được tình trạng sạt lở bờ biển có còn xảy ra phức tạp như mọi năm hay không?.
Nguồn: Báo TN&MT