Kết hợp nuôi tôm với trồng lúa để thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn
Mối đe dọa trong giai đoạn chuyển từ La Nina sang El Nino
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thủy văn, đến cuối tháng 3-2022, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính trong khoảng thời kỳ từ tháng 4 đến tháng 5-2023 với xác suất khoảng 75-85%. Sau đó, nhiệt độ mặt nước biển khu vực này tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng mùa hè năm 2023. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8-2023, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương sẽ tăng dần và duy trì trạng thái trung tính, nghiêng về pha nóng trong các tháng mùa hè.
El Nino (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đứa con của Chúa) là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Còn La Nina (hay còn gọi là bé Hài Đồng nữ) là hiện tượng ngược lại với El Nino, khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.
Như vậy, El Nino và La Nina là kết quả tương tác giữa khí quyển và đại dương mà thể hiện chủ yếu là hoàn lưu khí quyển với nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương, sự thay đổi của một phía sẽ gây ra phản ứng của phía kia. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự biến chuyển từ El Nino sang La Nina và ngược lại thường tạo nên những dạng tàn phá khủng khiếp với con người, môi trường và hệ sinh thái trên Trái đất.
Vì nằm trong khu vực Thái Bình Dương nên các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ phải chịu tác động tiêu cực của giai đoạn chuyển từ La Nina sang El Nino trong năm nay. Theo cảnh báo của các nhà khoa học và chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa hè năm nay ở Việt Nam sẽ có nắng nóng hơn các năm gần đây. Số liệu từ 12 mô hình khí hậu của 3 trung tâm dự báo uy tín thế giới là GFS, ECMWF và CMC cho hay, nhiệt độ vào giai đoạn giữa cuối tháng 3 năm nay có thể cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so trung bình nhiều năm.
Xu hướng này sẽ gia tăng về cường độ và lan dần từ khu vực Tây Bắc Bắc bộ và Nam bộ sang khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ vào tháng 4 và 5-2023. Từ tháng 6 đến tháng 8-2023, nắng nóng xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ phổ biến ở mức cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đi kèm với nắng nóng là sự xuất hiện của các cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông với số lượng tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (khoảng 4-5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới).
Thái Lan cũng phải đối mặt với tình hình tương tự như Việt Nam. Bà Chomparee Chompurat - Tổng giám đốc Cục Khí tượng Thái Lan cho biết thời tiết mùa hè năm nay ở nước này sẽ nóng hơn năm ngoái 1 độ C. Hầu hết các khu vực ở miền thượng Thái Lan sẽ trải qua thời tiết nắng nóng vào buổi chiều, với nhiệt độ trung bình là 35,5 độ C. Cùng với nắng nóng, các cơn bão kèm gió giật mạnh và mưa đá được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến các khu vực ở Đông Bắc Thái Lan trước khi tác động đến các khu vực khác. Người dân ở miền thượng Thái Lan được khuyến cáo đề phòng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tránh ở ngoài trời, dưới những tán cây lớn hoặc biển quảng cáo không an toàn. Nông dân nên có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ cây trồng khỏi bị hư hại.
Nhiều biện pháp trong sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước
Nắng nóng kéo dài trong thời gian tới đặt ra thách thức, trước hết là việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. Trước hết, cần nhân rộng những cách làm bài bản, khoa học của người dân trong phòng, chống hạn hán. Chẳng hạn như trữ nước mưa, nước ngọt, kết hợp đê bao khép kín để có nguồn nước ngọt dồi dào, đảm bảo phục vụ cho người dân trong mùa khô. Từng hộ gia đình có thể trang bị lu hồ, mua bạt trữ nước, túi nước cỡ lớn để chứa nước sinh hoạt; cùng nhau tu sửa, ngăn kênh ao, tạo thành các hồ tạm tích trữ nước ngọt để sản xuất, chăn nuôi.
Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các địa phương giáp biển, các địa phương khu vực này đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với xâm nhập mặn bằng việc chuyển cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Vào mùa khô, thay vì tìm nguồn nước ngọt để trồng lúa thì nay người dân chuyển qua nuôi tôm để thích ứng với nguồn nước mặn, ngọt. Tại vùng ven biển, nhiều diện tích đất lúa thường xuyên ngập mặn, người dân đã linh động chuyển qua trồng rừng kết hợp nuôi tôm, cua dưới tán rừng.
Ở quy mô khu vực, Việt Nam đã tích cực cùng các nước tham gia vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước, nhất là việc chia sẻ nguồn nước sông Mekong. Việt Nam đã liên tục đóng góp vào thành công của các cơ chế hợp tác khu vực sông Mekong bằng cách tích cực đề xuất và thực hiện các sáng kiến, tham gia soạn thảo các văn kiện chính, và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các dự án chung.
Chẳng hạn, tháng 3-2018, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 về Khu vực Tam giác phát triển và Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6. Tiếp theo là việc hoàn tất Báo cáo nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong (MRC) về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả báo cáo tác động của các dự án phát triển thủy điện (còn gọi là báo cáo Nghiên cứu hội đồng). Tháng 11-2018, Trung tâm Vũ trụ quốc gia Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Ủy hội sông Mekong (MRC) về việc sử dụng dữ liệu vệ tinh từ hệ thống Vietnam Data Cube trong việc giám sát, đánh giá nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác trên lưu vực sông Mekong. Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất việc kiểm toán môi trường về quản lý nước trên lưu vực sông Mekong. Được bắt đầu thực hiện từ tháng 3-2021, cuộc kiểm toán đã đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc liên quan đến việc sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong.
Tại các cuộc họp được tổ chức theo cơ chế hợp tác nội khối, Việt Nam đã nêu bật tình hình nguy cấp của đồng bằng sông Mekong, đồng thời kêu gọi các nước thành viên hợp tác trong quản lý tài nguyên nước và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực. Sự tham gia tích cực của Việt Nam cho thấy chúng ta không chỉ coi trọng lợi ích quốc gia mà còn coi trọng triển vọng phát triển bền vững của khu vực. Cách tiếp cận này trung thành với một nguyên tắc cốt lõi của ngoại giao nguồn nước, tức là không chỉ là việc quản lý tài nguyên nước mà còn là một phương tiện để đạt được mục tiêu dài hạn rộng lớn hơn là cải thiện an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực.