Ninh Bình: Tập trung triển khai phương án phòng, chống và ứng phó thiên tai

Đăng ngày: 18-04-2018 | Lượt xem: 759
(TN&MT) - Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành phương án tập trung triển khai phương án về phòng, chống và ứng phó thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh năm 2018.
ứng phó thiên tai

Phương án phòng, chống và ứng phó thiên tai của Ninh Bình năm 2018 lấy phương châm “phòng là chính”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra

Theo Phương án số 11/PA - UBND ngày 17/04/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình thì huyện Kim Sơn (vùng nuôi trồng thủy sản phía ngoài khu vực đê biển Bình Minh II) là khu vực trọng điểm đối với chống bão, bão mạnh, siêu bão, sóng thần và gió mùa đông bắc; Đối với chống lũ thì trọng điểm là các huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn (tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long, đê hữu Đáy). Đảm bảo chống được lũ theo mực nước thiết kế tại Bến Đế là (+5,3) và có thể phấn đấu giữ mức cao hơn khi điều kiện cho phép. Hạn chế tối đa việc phân lũ qua tràn Lạc Khoái, xả lũ, làm chậm lũ tại vị trí tràn Đức Long - Gia Tường cũng nhằm từng bước xóa bỏ các khu phân lũ, chậm lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo Nghị đinh số 04/2011/NĐ - CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ. Đối với xâm nhập mặn trọng điểm là các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô. Đối với hạn hán, rét đậm, rét hại, dông lốc trọng điểm là các huyện Nho Quan, Yên Mô, TP. Tam Điệp. Đối với ngập úng trọng điểm là huyện Yên Mô, TP. Ninh Bình. Đối với sụt lún, sạt lở đất thì trọng điểm là TP. Tam Điệp.
ứng phó thiên tai

TP. Tam Điệp (Ninh Bình) là trọng điểm về tình trạng sụt lún, sạt lở đất

Mục đích của phương án phòng, chống và ứng phó thiên tai của Ninh Bình năm 2018 lấy phương châm “phòng là chính”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm cư kiên cố, chắc chắn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.
 
Cùng với đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố tại chỗ được kịp thời, có hiệu quả cao nhất. Tăng cường công tác cập nhật thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức của nhân dân, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân.
 
Đặc biệt, công tác phòng chống lụt bão phải đảm bảo cho các tuyến đê: đê hữu Đáy, đê tả Hoàng Long, đê Trường Yên, đê Đầm Cút và đê Năm Căn, đê hữu Hoàng Long và đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân. Đối với áp thấp nhiệt đới, ngăn không cho tàu thuyền ra khơi, thông tin hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Đối với bão, cấm không cho tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn, kêu gọi triệt để tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi an toàn để tránh trú bão. Tổ chức di dân ngoài đê Bình Minh II vào trong đê Bình Minh III, chằng trống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các công trình trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh, triển khai phương án chống úng.
 
Đồng thời, các cấp, các ngành chủ động phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ theo tuyến, cụm. Chủ động kịp thời trong việc báo cáo tình hình, thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
 
Nguồn: Báo TN&MT
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: