Các diễn giả Hội thảo SEAUS 2023 - "Giải pháp thiết kế đô thị tại khu vực Đông Nam Á để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu" sáng 30/5 tại UEH.
Ngày 30/5, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phối hợp với Đại học KU Leuven (Bỉ) và Đại học Kiến trúc TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc tế “Giải pháp thiết kế đô thị tại khu vực Đông Nam Á để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu” (SEAUS 2023) nhằm cải thiện vấn đề nóng lên toàn cầu do tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định: Đô thị hóa và hiện đại hóa góp phần đáng kể vào sự nóng lên toàn cầu, không chỉ bằng việc tăng lượng khí thải nhà kính, mà còn ở việc xây dựng các thành phố và khu dân cư. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á là các vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái: Chặt phá rừng, san lấp lấn đường thủy, khai hoang lấn biển, san lấp đất cho các dự án đô thị và ô nhiễm không khí…
Sự nóng lên toàn cầu đã gây ra những tác động không thể khắc phục, ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của môi trường, xã hội và kinh tế ở cả khu vực nông thôn và thành phố. Các vùng biển và lục địa Đông Nam Á dễ bị ảnh hưởng trước tình trạng dâng cao mực nước biển và xâm nhập mặn; và các thành phố lớn bao gồm TP.HCM, Bangkok, Manila và Jakarta hàng năm phải hứng chịu lũ lụt, xói mòn và sụt lún nghiêm trọng hơn, các cơn bão và mưa gió mùa với tần suất và cường độ tăng…
Ngoài ra, môi trường sống tự nhiên bị phá hủy và hệ sinh thái trở nên mất cân bằng không chỉ dẫn đến việc suy giảm ngày càng nhanh sự đa dạng sinh học, mà còn gây ra sự kết nối bất thường giữa con người và tự nhiên. Những tác động xấu đối với con người là rất lớn: sức khỏe (sóng nhiệt, nước và các bệnh dịch khác) và những tổn hại đối với an ninh lương thực và nước.
GS.TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng UEH, cho biết tham dự Hội thảo SEAUS lần này, các chuyên gia sẽ cùng thảo luận về giải pháp tích hợp hài hòa giữa kiến trúc đô thị với tự nhiên và với các cấu trúc cảnh quan phong phú của khu vực. Đồng thời tìm ra các cách tiếp cận mới phù hợp bối cảnh đô thị, giải quyết những thách thức to lớn về sinh thái xã hội.
Nói về bối cảnh của Việt Nam, GS. Bruno De Meulder, Phó khoa Kiến trúc - Đại học KU Leuven (Bỉ) nhận định, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, chính phủ các nước trong khu vực và Việt Nam đã công nhận các công ước quốc tế, của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Tuy nhiên, các ý tưởng có tầm nhìn của các kiến trúc sư và nhà đô thị học cũng thường bị cản trở bởi các chính sách có thiện chí nhưng mang yếu tố kinh doanh và hỗ trợ các đặc quyền kinh tế.
“Ngày càng có nhiều biện pháp ứng phó về giảm thiểu và thích ứng từ việc phát triển cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi tốt hơn và các kiểu định cư mới, thực hiện các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững, trồng lại rừng, thúc đẩy tái tạo nguồn năng lượng và nâng cao nhận thức nói chung về sự nóng lên toàn cầu. Thực sự, chúng ta cần khẩn trương thúc đẩy các biện pháp ứng phó như vậy!”, GS. Bruno De Meulder nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về những nghiên cứu, sáng kiến hướng đến việc bảo tồn và nâng cao tính bản địa trong thiết kế, các giải pháp tích hợp hài hòa kiến trúc với bối cảnh xã hội, văn hóa và môi trường nhằm nâng cao cuộc sống và mang tới các giá trị bền vững cho cộng đồng.
Hội thảo SEAUS đã thu hút nhiều diễn giả uy tín trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới Bỉ, Việt Nam, Indonesia, Singapore, Philippines, Cambodia, Thái Lan… và hàng trăm nhà nghiên cứu, chuyên gia tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: Phát triển đô thị nước; giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ, suy giảm nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước; Phát triển đô thị sinh thái tự nhiên, tập trung duy trì mối quan hệ gắn bó, con người sống hài hòa với thiên nhiên, nâng cao chất lượng cư trú của người dân; Đô thị ở nông thôn/nông thôn ở thành phố lớn, nhấn mạnh đến việc giữ gìn bản sắc, truyền thống, và đặc tính của từng khu vực.
Minh Hà