Tiêu biểu là Đề tài Nghiên cứu giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mã số BĐKH.18/16-20. Vùng Duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bao gồm 11 tỉnh kéo dài từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế là vùng có tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển. Tuy vậy, trong bối cảnh gia tăng BĐKH, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển của vùng hiện đang chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp thông qua nguồn nước, môi trường nuôi, con giống, dịch bệnh… gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và cơ sở hạ tầng của vùng nghiên cứu.
Nghiên cứu giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: MH
Trong bối cảnh BĐKH đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay, việc áp dụng các mô hình NTTS thích ứng với BĐKH cũng như tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai cho người dân ven biển là hết sức cần thiết nhằm thích ứng với những thay đổi của khí hậu, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của cho người dân trước các tác động của BĐKH, ổn định sản xuất, đảm bảo cuộc sống tinh thần và vật chất cho người dân ven biển.
Một số mô hình NTTS thích ứng với BĐKH đang được triển khai nghiên cứu tại một số các địa phương nằm trong vùng nghiên cứu như: Mô hình thủy sản - rừng, mô hình nuôi xen ghép, mô hình nuôi nhuyễn thể bãi triều và trong ao đầm nước lợ, mô hình nuôi cá biển lồng bè. Các mô hình này đều là những mô hình có tiềm năng ứng phó thông minh với BĐKH khi có thể thỏa mãn được cả 3 trụ cột của nông nghiệp thông minh đó là thích ứng BĐKH, giảm thiểu BĐKH và đảm bảo tăng trưởng sản xuất. Phát triển các hệ thống NTTS ven biển ứng phó thông minh với BĐKH và các thực hành thông minh kèm theo là một trong những cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp phát triển NTTS ven biển thông minh với BĐKH tại vùng nghiên cứu nói riêng và ven biển Việt Nam nói chung.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nuôi trồng thủy sản, tác động của biến đổi khí hậu tới nuôi trồng thủy sản; một số mô hình nuôi trồng thủy sản hiện nay ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đồng thời đã tiến hành đánh giá kinh nghiệm phòng tránh thiên tai của người dân ven Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Kết quả cho thấy, cộng đồng địa phương đã có những nhận thức nhất định về ảnh hưởng của BĐKH và các giải pháp thích ứng để sản xuất ổn định. Một số các mô hình NTTS có khả năng thích ứng với BĐKH hiện đang được người dân của vùng nghiên cứu áp dụng ở quy mô hộ gia đình có thể kể đến là: Mô hình thủy sản - rừng, mô hình nuôi xen ghép, mô hình nuôi nhuyễn thể bãi triều và trong ao đầm nước lợ, mô hình nuôi cá biển lồng bè. Tuy vậy, về nhận thức và năng lực ứng phó với tác động của BĐKH của người dân ven biển khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ, kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy, còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết về việc đề xuất và thực hiện các giải pháp tăng cường nhận thức và khả năng ứng phó mang tính hệ thống hơn và chủ động hơn cho cộng đồng người nuôi thủy sản khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu khoa học này, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công đề tài Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, mã số BĐKH.19/16-20. Rừng ngập mặn (RNM) khu vực Nam Trung Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ đê cửa sông ven biển, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng RNM ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ thông qua điều tra các ô tiêu chuẩn rừng trồng, rừng tự nhiên đại diện tại 8 tỉnh/thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Kết quả điều tra khảo sát cho thấy: Khu vực ven biển Nam Trung Bộ có tổng diện tích rừng và đất ngập mặn là 825 ha, trong đó, diện tích có RNM là 360 ha. Diện tích đất trống ngập mặn là 465 ha tập trung chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam và Bình Định, thuộc nhóm dạng lập địa khó khăn với 303,22 ha (chiếm 65,3%). Về thành phần loài cây ngập mặn, bước đầu đã xác định được 21 loài thuộc 12 chi và 10 họ thực vật. Các loài cây được gây trồng tương đối đơn giản, các loài chủ yếu bao gồm: Mắm biển (Avicennia marina (Forssk.) Vierh), Cóc trắng (Lumnitzera racemosa Willd) và Đước đôi (Rhizophora apiculata Blume),..., chất lượng rừng trồng và rừng tự nhiên khu vực ven biển Nam Trung Bộ phần lớn thuộc loại rừng nghèo.
Đã ghi nhận thêm vùng phân bố mới của loài Cóc đỏ (Lumnitzera littorea (Jack) Voigt) là loài quý hiếm ở mức VU - mức sẽ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) tại Ninh Thuận so với trước đây (Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa (Cam Ranh), Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Kiên Giang (Phú Quốc), Bạc Liêu); bước đầu phát hiện một loài Giáp xác chân đều có tên khoa học là Sphaeroma terebrans Bate, 1866, thuộc họ Sphaeromatideae, bộ Chân đều Isopoda hại cây ngập mặn Bần trắng (Sonneratia alba Smith) trên 3 tuổi gây hại RNM ở tỉnh Bình Định. Từ kết quả đánh giá hiện trạng RNM, nghiên cứu đã đề xuất một số định hướng giải pháp lựa chọn và cải thiện giống cây ngập mặn, giải pháp kỹ thuật trồng RNM phù hợp với 3 dạng lập địa: Rất thuận lợi, thuận lợi và khó khăn tại khu vực ven biển Nam Trung Bộ.
Nguồn: Báo TN&MT