Theo một phân tích đầu tiên của hơn 30 nhà khoa học, rừng nhiệt đới Amazon hiện nay rất có thể là một yếu tố góp phần lớn vào sự ấm lên của hành tinh.
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã bày tỏ lo ngại rằng nhiệt độ tăng, hạn hán và nạn phá rừng đang làm giảm khả năng hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và giúp bù đắp lượng khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây thậm chí đã cho rằng một số phần của khu rừng nhiệt đới này có thể thải ra nhiều carbon hơn mức chúng dự trữ.
Nhưng việc hít vào và thở ra CO2 chỉ là một cách mà khu rừng nhiệt đới ẩm ướt này, nơi có nhiều loài nhất trên Trái đất, ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Các hoạt động ở Amazon, cả hoạt động tự nhiên và do con người gây ra, có thể làm thay đổi ảnh hưởng của rừng nhiệt đới theo những cách đáng kể, làm ấm không khí trực tiếp hoặc giải phóng các khí nhà kính khác.
Rừng Amazon hiện nay đang mất dần khả năng hấp thụ CO2 do các hoạt động tàn phá môi trường
Ví dụ, hoạt động làm khô hạn các vùng đất ngập nước và làm đất trở nên ít tơi xốp do khai thác gỗ, có thể làm tăng lượng khí thải nitơ oxit gây hiệu ứng nhà kính. Các đám cháy nhằm giải phóng đất đồng thời giải phóng carbon, các hạt bồ hóng nhỏ hấp thụ ánh sáng mặt trời và làm tăng độ ấm. Phá rừng có thể làm thay đổi lượng mưa, làm khô và nóng rừng hơn nữa. Lũ lụt thường xuyên và xây dựng đập giải phóng khí mê-tan mạnh, cũng như việc chăn thả gia súc, một trong những lý do chính khiến rừng bị tàn phá. Và khoảng 3,5% khí mê-tan thải ra toàn cầu tự nhiên đến từ các cây của Amazon.
Tuy nhiên, chưa có nhóm nghiên cứu nào đánh giá tác động tích lũy của các quá trình này, ngay cả khi khu vực rừng đang có sự thay đổi nhanh chóng. Nghiên cứu, được hỗ trợ bởi Hiệp hội Địa lý Quốc gia và được công bố hôm nay trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change, ước tính rằng sự nóng lên của khí quyển từ tất cả các nguồn này kết hợp lại dường như làm giảm hiệu ứng làm mát tự nhiên của rừng.
“Việc chặt phá rừng đang cản trở sự hấp thụ các-bon của rừng; đó là một vấn đề,” tác giả chính Kristofer Covey, giáo sư nghiên cứu môi trường tại New York’s Skidmore College, cho hay. “Nhưng khi bạn bắt đầu xem xét các yếu tố khác này cùng với CO2, bạn sẽ khó thấy được tác động thực của rừng Amazon trong việc làm khí hậu toàn cầu nóng lên như thế nào.”
Kristofer Covey và các đồng nghiệp nói rằng chúng ta vẫn có thể đảo ngược được ảnh hưởng xấu này. Việc ngừng phát thải toàn cầu từ than, dầu và khí đốt tự nhiên sẽ giúp khôi phục sự cân bằng, song song với đó việc hạn chế nạn phá rừng ở Amazon là điều bắt buộc, cùng với việc giảm xây dựng đập và tăng cường nỗ lực trồng lại cây xanh. Tiếp tục giải phóng đất với tốc độ hiện tại chắc chắn sẽ làm cho tình trạng ấm lên trên toàn thế giới trở nên tồi tệ hơn.