Áp dụng 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa
Biến đổi khí hậu tác động trực diện ngành Nông nghiệp Việt Nam
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây các cơn bão có diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những cơn “siêu bão” gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân đánh bắt trên biển, tàn phá các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê điều, gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, cây trái và mùa màng, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và miền Trung.
Trên hệ thống đê sông Hồng ở Bắc Bộ và sông Cửu Long ở Nam Bộ thường xuyên bị lũ đe dọa, gây ngập lụt hàng triệu đất canh tác, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050… dự báo đến năm 2100, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập 89.473 héc-ta, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...
Chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp đồng bộ
Trước những tác động xấu mà từ biến đổi khí hậu, Bộ NN và PTNT đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ðặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau màu, cà-phê, chè) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn hán) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) được chú trọng để vẫn duy trì được năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, tập trung triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (EPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu, che phủ bằng thảm thực vật, hình thành các chuỗi liên kết nông sản bền vững…
Năm 2019 diện tích được chứng nhận VietGAP là 39,3 nghìn ha, trong đó, quả 22,66 nghìn ha; rau 5,99 nghìn ha; lúa 5,27 nghìn ha; chè 5,12 nghìn ha; cà phê 101 ha; cây khác 105 ha. Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018), 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản ATTP theo chuỗi (tăng 93 địa điểm). Đồng thời, Bộ đã cùng các địa phương, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: (i) Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; (ii) Chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; (iii) Chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.
Anh Đàm Xuân Thanh ở thôn 9B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) cho biết: “Trước đây, dùng vòi tưới thì lượng nước bơm lên nhiều bị ngấm không kịp chảy tràn lan. Nước bơm lên nhiều vừa tốn tiền mua dầu, vừa gây ra tình trạng thiếu nước cho lần tưới sau. Nhưng hai năm nay, khi tưới béc thì lượng nước được phân bổ đều khắp vườn, do vòi cao nên tưới và rửa sạch lá, cành nên tạo thêm độ ẩm cho vườn cây, đồng thời giúp cho việc phòng, chống tốt các loại dịch bệnh thông thường”
Ông Bùi Văn Thanh, ngụ ấp Ben Vựa Bắc (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri) cho biết: “Năm 2016, gia đình ông Thanh chuyển dần sang nuôi bò sữa. Ban đầu, gia đình được Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre (giai đoạn 2015 - 2019) hỗ trợ cho mượn 3 con bò sữa và mua thêm 2 con. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình tăng lên 19 con, trong đó, 8 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 85kg sữa và ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán từ 12 - 14 nghìn đồng/kg.”
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hồ Văn Phúc khẳng định:“Mô hình chăn nuôi bò sữa trong thời gian qua phát triển khá tốt nhờ thích hợp với điều kiện khí hậu, đồng cỏ của địa phương. Hiện, các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả. Sắp tới, địa phương sẽ tuyên truyền về hiệu quả của mô hình nhằm vận động người dân phát triển đàn bò sữa. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Thực tế cho thấy các giải pháp của ngành Nông nghiệp đang được triển khai hiệu quả và có tính đồng bộ. Tuy nhiên, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phải tính toán tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với BĐKH, đó là các hiện tượng: Mất đất, nhiễm mặn, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi của ngành sản xuất trong tương lai. Đối với quy mô địa phương, các lực lượng cơ sở cần tăng cường các biện pháp canh tác, các phương thức sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu như an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông hộ và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền Nông nghiệp trước thách thức của BĐKH.
Theo tienphong.vn