Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH diễn ra tại TP Cần Thơ tháng 9/2017
Cụ thể các sự kiện nổi bật như sau:
1. Hội nghị lần thứ nhất của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức thành công tại thành phố Cần Thơ từ ngày 26 - 27 tháng 9 năm 2017.
Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, bao gồm các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị thực tiễn sâu sắc; đặc biệt là những kinh nghiệm của thế giới về phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhận diện đầy đủ các thách thức và xu thế biến đổi của đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu;
Từ đó xác định rõ tầm nhìn, đề xuất các giải pháp tổng thể, định hướng chiến lược để thực hiện chuyển đổi quy mô lớn mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bên lề Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH diễn ra tại TP Cần Thơ tháng 9/2017
2. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ đề cập một cách toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, chiến lược nhằm thực hiện chuyển đổi quy mô lớn và xây dựng mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước song cũng rất mẫn cảm với các điều kiện của tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu. Nghị quyết được xem như một mô hình mẫu để triển khai nhân rộng trên phạm vi cả nước.
3. Năm 2017 là năm kỷ lục về số cơn bão, thiên tai khốc liệt, cực đoan và dị thường tại nhiều nơi trên cả nước. Với 16 cơn bão, 04 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 15 đợt nắng nóng diện rộng với những trị số nắng nóng lịch sử 42oC ở miền Bắc và miền Trung; nhiều trận mưa lớn diện rộng, lũ lớn đạt mức lịch sử. Năm 2017 cũng là năm ngành TN&MT đưa các công nghệ hiện đại vào sử dụng, vận hành góp phần nâng cao chất lượng và tính chính xác của các bản tin dự báo khí tượng thủy văn.
4. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2017, Bộ TN&MT là một trong những cơ quan hành chính cấp Trung ương đi đầu trong cải cách hành chính với việc vận hành hệ thống cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến các cấp độ; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi gần 45% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Lần đầu tiên triển khai thí điểm liên thông giải quyết 11 thủ tục hành chính của 03 lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư giảm thời gian và tiết kiệm đến 2/3 chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
5. Triển khai kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Lần đầu tiên, Bộ TN&MT đưa ra phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất.
Việc triển khai kinh tế hóa với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã quy định cụ thể theo các mục đích khai thác nước; qua đó góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
6. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP tháo gỡ nhiều vướng mắc về đất đai trong thực hiện các dự án đầu tư; bồi thường giải phóng mặt bằng; xử lý tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu của ngân hàng; thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận; hoàn thiện cơ chế để thực hiện phương thức góp quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư, chỉnh trang đô thị.
Đặc biệt đã bổ sung các quy định “cởi trói” cho nông nghiệp với quy định tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp được tiếp tục sử dụng đất mà không phải chuyển sang thuê đất để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; cho phép nông dân được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nếu việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại.
7. Thay đổi phương án nhận chìm vật, chất ở biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận; lùi thời điểm thi hành Khoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT.
Trong năm 2017, trước sự quan tâm, lo lắng từ dư luận, ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan báo chí và người dân, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý gần 1 triệu m3 vật chất từ hoạt động nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Phương án nhận chìm ở biển được thay thế bằng phương án san lấp mặt bằng theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiến độ dự án, quyền lợi nhà đầu tư, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận; đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn Thông tư số 33, Bộ TN&MT chính thức ngừng hiệu lực với Khoản 5 Điều 6 Thông tư này.
8. Hoàn thành kế hoạch đưa các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn môi trường.
Năm 2017, Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các địa phương có các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang và một số cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường khác để giám sát chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường, đi vào vận hành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên Bộ TN&MT thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương; góp phần giúp các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh, đầy đủ, chính xác các thông tin về những vấn đề môi trường bức xúc; tăng cường trao đổi thông tin giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi ứng xử đối với môi trường.
9. Vườn Quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh) trở thành Vườn di sản thứ 38 của ASEAN và thứ 6 của Việt Nam. Đây là Vườn quốc gia hội tụ đầy đủ 6 tiêu chí về tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính pháp lý, tính bảo tồn cao cùng với kế hoạch quản lý, bảo tồn.
Vườn quốc gia có tổng diện tích 15.783 ha, đó diện tích biển chiếm 9.658 ha, diện tích các đảo nổi chiếm 6.125 ha; có 2.212 loài động, thực vật, 75 loài trên cạn và 31 loài sinh vật biển được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
10. Nhiều cá nhân được công nhận, vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam và thế giới. Năm 2017 là năm mà tại Việt Nam, nhiều tên tuổi của các nhà khoa học được thế giới vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong đó, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học của ASEAN; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh được nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt về đa dạng sinh học. Sự kiện này khẳng định và công nhận của các tổ chức quốc tế trong việc nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Nguồn: Báo TN&MT