Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp
Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã báo cáo những điểm chính trong dự thảo. Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK thuộc các lĩnh vực có hoạt động phát thải, hấp thụ KNK; kiểm kê KNK; đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải và quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải KNK tại Việt Nam. Nghị định được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động phát thải, hấp thụ KNK trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Về cấu trúc, Dự thảo Nghị định có 3 chương chính, bao gồm: Các quy định chung, Các quy định chi tiết và Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương.
Dự thảo đã đưa ra lộ trình chi tiết về giảm nhẹ KNK bắt buộc. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam phải giảm 6,6% lượng phát thải so với kịch bản phát thải thông thường, tương đương khoảng 40 triệu tấn CO2. Đến năm 2030 phấn đấu giảm 8%, tương đương 62,8 triệu tấn CO2. Dự thảo đã phân định rõ trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, NN&PTNT trong giai đoạn này. Các Bộ ngành sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với các ngành kinh tế theo chức năng quản lý.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại cuộc họp
Theo ông Cường, việc giảm nhẹ cần được thực hiện theo Bộ, ngành mang tính bắt buộc, song song với khuyến khích các tỉnh, thành phố, cơ sở sản xuất lớn xây dựng các kế hoạch giảm nhẹ tự nguyện. Sau 2030 có thể tăng mức độ bắt buộc đối với cơ sở sản xuất cụ thể dựa trên số liệu kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Lộ trình giảm nhẹ đến năm 2050 được phân tích, đề xuất dựa trên các chiến lược của các ngành, cụ thể là chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Chiến lược phát triển phát thải thấp dài hạn của quốc gia tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo cũng nêu rõ mức giảm nhẹ phát thải KNK đến năm 2050 được điều chỉnh tối đa đến 25%, tương đương 135,4 triệu tấn CO2 nếu có hỗ trợ quốc tế.
Dự thảo cũng bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật như biểu mẫu xây dựng đề án các cấp, biểu mẫu phục vụ hoạt động kiểm kê KNK. Riêng hoạt động Đo đạc – Báo cáo –Thẩm tra (MRV), Bộ TN&MT sẽ ban hành hướng dẫn mẫu báo cáo MRV mức giảm nhẹ phát thải KNK cấp quốc gia. Các Bộ có kế hoạch giảm nhẹ bắt buộc đến năm 2030 sẽ ban hành hướng dẫn ở cấp lĩnh vực, dự án thuộc phạm vi quản lý.
Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện Cục biến đổi khí hậu, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện bản dự thảo Nghị định, đảm bảo hợp lý và mang tính khả thi cao. Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Vụ Pháp chế tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo trên cơ sở thông báo kết luận của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc ngày 8/2/2018; có báo cáo đánh giá tác động chính sách và dự kiến nội dung Thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây là Nghị định mang tính kĩ thuật cao, các quy định dựa trên nghiên cứu khoa học, tuân thủ các cam kết quốc tế và mang tính khuyến khích thực hiện. Bởi vậy, cần bổ sung các nội dung có yếu tố quản lý Nhà nước mang tính bắt buộc.
Dự kiến sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành địa phương và trình lãnh đạo Bộ TN&MT, Dự thảo Nghị định sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2018.
Nguồn: Báo TN&MT