Tình trạng nóng lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm nguy cơ tuyệt chủng của các loài, làm sụp đổ hệ sinh thái, tăng các bệnh do muỗi gây ra cũng như làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng gây chết người, thiếu nước ngọt, giảm sản lượng mùa vụ.
Chỉ trong năm ngoái, thế giới đã chứng kiến hàng loạt đợt lũ lụt, nắng nóng kéo dài và cháy rừng ở quy mô chưa từng có trên khắp 4 lục địa.
Các nhà hoạt động phản đối lãng phí thực phẩm và ủng hộ thay đổi trong nông nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính tại thủ đô Berlin - Đức hôm 14-2 Ảnh: REUTERS
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo tất cả vấn đề trên có nguy cơ gia tăng trong những thập kỷ tới bất chấp thế giới thúc đẩy việc giảm phát thải carbon, vốn là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu diễn tiến nhanh chóng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự thích nghi, nói rõ hơn là chuẩn bị cho những hậu quả tàn khốc khó có thể tránh khỏi. Ở một số nước, việc thích nghi với những ngày nắng nóng cực đoan, lũ quét và nước biển dâng trở thành vấn đề sống còn.
Ông Alexandre Magnan, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (Pháp) đồng thời là đồng tác giả báo cáo trên, cho hay ngay cả khi tìm ra các giải pháp giảm phát thải carbon, thế giới sẽ vẫn cần có những biện pháp nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu.
Theo AP, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng thời tiết khắc nghiệt xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy các chính phủ cần cấp bách giải quyết vấn đề chi phí gia tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Xuân Mai