Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng phó xâm nhập mặn

Đăng ngày: 11-06-2019 | Lượt xem: 1383
Từ khoảng giữa tháng 5/2019 trở lại đây, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất nhiều nhiều cơn mưa đầu mùa khiến cho tình hình xâm nhập mặn ở khu vực này không còn gay gắt như những tháng đầu năm 2019 nữa. Tuy vậy, các ngành chức năng vẫn luôn theo dõi sát sao diễn biến của mặn để kịp thời có các giải pháp ứng phó.
Anh 2 Nao vet kenh
Các địa phương vùng ĐBSCL chủ động đắp bờ bao, nạo vét kênh rạch giảm thiểu thiệt hại từ đợt xâm nhập mặn vừa qua

Độ mặn giảm dần

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, gần đây, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xuất hiện những cơn mưa với lưu lượng lớn, nên độ mặn đo được trên các tuyến sông, rạch đã được giảm đáng kể. Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2019, độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề đo được hơn 18g/l, tại Long Phú là 13g/l, tại Đại Ngãi là 5,5g/l; trên sông Mỹ Thanh tại Tham Đôn 5,5g/l, tại Thạnh Phú 3,5g/l, tại TP. Sóc Trăng 2,5g/l.

Tuy vậy, kết quả đo độ mặn được ghi nhận ngày 30/5/2019 cho thấy, cao nhất trên sông Hậu tại huyện Trần Đề là 9,8l/g, huyện Long Phú 8,6l/g, Đại Ngãi 4,0g/l, TP. Sóc Trăng 0,5g/l. “Với tình hình thời tiết mưa nhiều như hiện nay, trong những ngày đầu tháng 6/2019 độ mặn trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh dự báo sẽ còn tiếp tục giảm” - ông Nguyễn Quang Vinh thông tin.

Từ cuối tháng 12/2018 đến đầu tháng 5/2019, tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ biển Tây vào, trong đó, có thời điểm độ mặn đo được trên các sông, kênh thuộc địa bàn TP. Vị Thanh, huyện Long Mỹ đạt gần 11g/l. Tuy vậy, với những cơn mưa đầu mùa đã làm cho độ mặn ở hầu hết các sông ở huyện Long Mỹ, TP. Vị Thanh giảm dần.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Vị Thanh cho biết: “Kết quả đo độ mặn mới đây nhất ghi nhận được ở một số điểm trên các sông, kênh thuộc địa bàn thành phố đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Ví dụ như tại ngã ba sông Nước Trong, kênh Lầu, kênh Năm sông Nước Đục độ mặn giảm còn 1l/g, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cải tạo đất, lấy nước vào ruộng phục vụ sản xuất”.

Trong đợt xâm nhập mặn vừa qua, một phần diện tích đất của gia đình ông Lân Thanh Quế, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa được. “Từ giữa tháng 5/2019 đến nay xuất hiện nhiều cơn mưa, nguồn nước ngọt trong kênh cũng tương đối nhiều nên tôi và bà con chung xã tiến hành đưa nước vào rửa mặn, cải tạo đất để xuống giống” - ông Lâm Thanh Quế cho biết.

Ảnh hưởng không đáng kể

Đánh giá về tình hình xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, so với cùng thời điểm năm 2017 – 2018, độ mặn vào những tháng đầu năm 2019 đo được trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Trần Đề, huyện Long Phú cao hơn, nhưng do các ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, nên ảnh hưởng bởi mặn đến sản xuất là không đáng kể.

Cụ thể, Chi cục Thủy lợi hàng tuần đều có báo cáo cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin về diễn biến xâm nhập mặn, độ mặn, đồng thời, đưa ra nhận định về diễn biến xâm nhập mặn cho tuần kế tiếp để khuyến cáo người dân. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, cống ngăn mặn, trường hợp độ mặn vượt ngưỡng cho phép, tiến hành đóng các cống bảo vệ diện tích cây trồng cho người dân.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân ứng phó với xâm nhập mặn. Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) Vương Tấn Vũ cho biết: “Dường như năm nào huyện Long Phú cũng xảy ra tình trạng mặn xâm nhập, nhưng nhờ công tác tuyên tuyền được thực hiện thường xuyên, liên tục nên người dân đã chủ động điều chỉnh thời vụ, gia cố bờ bao, cống bọng tích trữ nước, vì vậy, thiệt hại được giảm xuống mức thấp nhất”.

Tại tỉnh Cà Mau, để bảo vệ diện tích hơn 130.000 ha đất trồng lúa nước và cây màu tập trung ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến của mặn để kịp thời ứng phó. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho rằng: “Từ đầu năm 2019 đến nay, mặn từ khu vực cống hở đã xâm nhập vào trong vùng đê bao nước ngọt, nhưng vì tỉnh đã chủ động, kịp thời bơm nước mặn ra phía ngoài đê nên không ảnh hưởng nhiều đến diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau còn thường xuyên đầu tư nạo vét các tuyến kênh, rạch nhằm tích trữ nước vào mùa mưa, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân”.

Vào cuối tháng 2/2019 trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng diễn ra gay gắt và tiến sâu vào nội đồng, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 50.000 ha lúa Đông Xuân và Hè Thu của người dân có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó, có khoảng 12.000 - 16.000 ha lúa Đông Xuân và Hè Thu của người dân ở các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, TP. Vị Thanh bị ảnh hưởng bởi mặn. Tuy vậy, trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Hậu Giang, các Sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn vì thế đã hạn chế được những thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: