Chủ tịch COP 25, Bộ trưởng Môi trường Chile, bà Carolina Schmidt phát biểu tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Nacho Doce / Reuters
Một số quốc gia đã tham dự cuộc đàm phán năm nay với các kế hoạch cập nhật để đạt được các mục tiêu của thỏa thuận Paris mặc dù EU cuối cùng đã đồng ý mục tiêu dài hạn là không phát thải khí vào năm 2050.
Nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải cắt giảm khí thải đầy tham vọng hơn trên toàn cầu nếu muốn đạt được cam kết hạn chế nhiệt độ toàn cầu đến 2 độ C theo thỏa thuận Paris 2015.
Vòng đàm phán thường niên của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm nay tập trung vào các vấn đề kỹ thuật hẹp, chẳng hạn như hoạt động của thị trường cácbon toàn cầu - một biện pháp để các quốc gia có thể đạt được thành công trong việc cắt giảm khí thải với các quốc gia khác không cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh.
Đến giữa trưa ngày 15/12 (theo giờ Hà Nội) tại thủ đô Tây Ban Nha, Hội nghị COP 25 đã bế mạc với kết quả khá hạn chế, khi các bên chỉ đạt được một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp về một số nội dung quan trọng để mở đường cho hội nghị tiếp theo vào năm tới diễn ra năm 2020 tại Glasgow (Scotland)..
Đã có những lo ngại rằng vấn đề nghiêm trọng hơn về việc cắt giảm khí thải trong tương lai cũng sẽ bị loại bỏ, nhưng một liên minh tham vọng cao do EU tạo ra và nhiều nước đang phát triển đã buộc một nghị quyết sẽ yêu cầu tất cả các chính phủ xây dựng kế hoạch quốc gia mạnh mẽ hơn về cắt giảm cácbon.
Các mục tiêu đầy tham vọng ban đầu về cắt giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu vẫn chưa được các bên tham gia đàm phán nhất trí.
Các cuộc đàm phán liên tục và kéo dài thêm 40 tiếng đã kết thúc bằng lời kêu gọi của đại diện gần 200 nước thành viên, hối thúc đề ra mục tiêu chi tiết và tham vọng hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn được cho là nguyên nhân chính gây BĐKH.
Tại hội nghị, các đại biểu tán thành việc tăng cường hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển vốn dễ bị tác động nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố “Thời điểm Hành động Chile-Madrid” với mục tiêu hối thúc các quốc gia tăng cường những cam kết hiện tại nhằm cắt giảm khí thải CO2.
Tuyên bố này phù hợp với mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 là không để nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, các nhà quan sát đánh giá các bên đàm phán đã chưa nỗ lực hết sức để vượt qua một trong những vấn đề quan trọng và gây tranh cãi nhất là tương lai của thị trường khí thải cácbon thế giới.
Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã cáo buộc các quốc gia giàu có chưa đưa ra những cam kết đủ thuyết phục để ứng phó với tình trạng BĐKH toàn cầu.
Đánh giá về kết quả của COP 25, đại diện các nước châu Âu cho rằng việc Hội nghị này chưa đạt được thỏa thuận về phương thức quản lý các thị trường khí thải các-bon vẫn tốt hơn là đạt được ngay một thỏa thuận không hiệu quả, có thể làm cản trở hàng chục cơ chế xử lý cácbon khu vực đang tồn tại hiện nay.
Hội nghị COP 25 kéo dài 2 tuần trong bối cảnh những tác động ngày càng gia tăng do Trái Đất ấm lên trong năm qua thể hiện rõ rệt, với các vụ cháy rừng từ Bắc Cực và rừng nhiệt đới Amazon cho tới Australia cũng như những siêu bão gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực nhiệt đới.
Ngày 26/11, báo cáo mới nhất của LHQ cho biết cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để hạn chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Trong khi đó, để hạn chế nhiệt độ ở ngưỡng an toàn, lượng khí thải CO2 phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, mục tiêu này dường như không khả thi bởi trong thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới.
Theo Báo TN&MT