Kết luận tại “Diễn đàn chuyên đề Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với khu vực ĐBSCL lấy tài nguyên nước làm trọng tâm, làm rõ các nguyên nhân và thách thức từ con người hay tự nhiên để có những giải pháp thích ứng cụ thể với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà tại diễn đàn. Ảnh: H.V
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, diễn đàn hôm nay cũng như các tham luận đã nhìn nhận, đánh giá tổng thể trong mối tương quan tác động giữa tự nhiên và phát triển kinh tế xã hội ở khu vực ĐBSCL. Bước đầu nhận dạng và nhiều kết quả nghiên cứu làm rõ một số vùng liên quan quản lý tài nguyên nước, biến đổi số lượng và chất lượng nước, các tác hại do nước gây ra như, sạt lở, ngập úng, lún…
Có nhiều nguyên nhân, nơi thì do địa chất, nơi thì do tác động của kinh tế xã hội, tác động từ thượng nguồn (thuỷ điện )… đe doạ sự phát triển bền vững của ĐBSCL. “Đặc biệt, do nhu cầu khai thác nước không kiểm soát, chưa có cơ chế phối hợp giữa hạ nguồn với thượng nguồn về thuỷ điện, đe doạ làm biến mất lượng phù sa màu mỡ của ĐBSCL”, ông Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hà nêu ra ba vấn đề để biến thách thức thành cơ hội, tạo thế cho ĐBSCL phát triển bền vững, sống chung với BĐKH.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá tổng thể toàn bộ lưu vực, cái nào do tác động của tự nhiên, cái nào do con người để có giải pháp thích hợp, đảm bảo phát triển bền vững thì yếu tố dữ liệu khoa học phải xây dựng từng bước, làm cơ sở hoạch định cho quá trình thay đổi. Song song với đó cần ứng dụng khoa học công nghệ, có đội ngũ con người đủ kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tri thức… để sống chung với sự thay đổi lâu dài.
Toàn cảnh diễn đàn chuyên đề. Ảnh: H.V
Ngoài tái tạo nông nghiệp, những ứng dụng khoa học như công nghiệp năng lượng xanh, điện gió, điện mặt trời… là những giải pháp trước mắt.
Quan trọng nhất và mang tính bền vững là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hệ thống hệ thống hạ tầng… dựa trên các mục tiêu kinh tế, đáp ứng được biến đổi khí hậu và bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường và đảm bảo tính kế thừa của tự nhiên. Từ đó, xác định các dự án cấp bách, sống chung và biến tác hại từ biến đổi khí hậu thành cơ hội.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham quan gian triển lãm công nghệ năng lượng xanh bên lề diễn đàn. Ảnh: H.V
“Cái cần nhất hiện nay là cơ chế đặc thù cho ĐBSCL trong tình cảnh biến đổi khí hậu, cơ chế xem xét ưu tiên, không manh mún trong đầu tư. Thông qua hội nghị này, Bộ TNMT cùng với Bộ NNPTNT cam kết, chủ động trình Chính phủ dự án đánh giá tổng thể đối với khu vực ĐBSCL, để đưa ra các giải pháp xác đáng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trước đó, các chuyên gia cho rằng, với ĐBSCL, quy hoạch thuỷ lợi là quan trọng nhất và cần có quy hoạch tổng thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. "Đây là quy hoạch phức tạp, cần có sự phối hợp liên ngành và cần có nguồn lực tài chính để thực hiện. Tuy nhiên, do vướng Luật quy hoạch nên kinh phí thực hiện dự án chưa được phân bổ. Vì vậy, đề nghị Bộ TNMT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục nghiên cứu lập quy hoạch thuỷ lợi vùng ĐBSCL giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050”, đại diện Viện quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam đề xuất.
Theo Dân Việt