Khẩn trương khắc phục sạt lở ở các bờ sông

Đăng ngày: 09-11-2023 | Lượt xem: 693
Sau các đợt mưa lớn từ ngày 13 - 18/10, nhiều khu vực qua địa bàn TP. Huế nằm dọc bờ sông Hương và sông Bạch Yến bị sạt lở, ăn sâu hàng chục mét đe dọa nhiều nhà dân và công trình tôn giáo, UBND TP. Huế đã và đang lên phương án khắc phục đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân.

 Chính quyền địa phương và người dân xử lý khắc phục tạm thời điểm sạt lở ở khu vực Long Hồ Thượng 2

Chính quyền địa phương và người dân xử lý khắc phục tạm thời điểm sạt lở ở khu vực Long Hồ Thượng 2

Sau hàng chục năm sinh sống yên ổn, giờ đây gia đình ông Nguyễn Cửu Sơn, thôn Long Hồ Hạ 2, phường Hương Hồ đứng ngồi không yên bởi nhiều điểm sạt lở chỉ nằm cách nhà vài mét sau các đợt mưa lớn vào giữa tháng 10/2023. Không chỉ ông Sơn, nhiều gia đình khác cũng cùng chung số phận và thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa lớn và nước lũ tràn về nên đã cùng nhau dùng cọc tre, đất đá gia cố tạm, chống sạt lở, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

“Mặc dù sống gần bờ sông, song mấy chục năm nay chưa bao giờ chứng kiến cảnh sạt lở như thế này. Từ bữa mưa lớn vào giữa tháng 10 đến nay cứ đứng ngồi không yên nên mong thành phố sớm có giải pháp khắc phục”, ông Sơn chia sẻ.

Không chỉ ở khu vực phường Hương Hồ, nhiều bờ hói dọc đường La Khê, xã Thủy Bằng cũng xuất hiện sạt lở sau các đợt mưa lớn với tổng chiều dài khoảng 100m, trong đó có chỗ ăn vào sâu vào bờ 20m. Sạt lở ăn sâu làm hư hỏng nhiều tuyến đường, nhà dân.

Qua tìm hiểu, hiện trạng một số bờ sông, bờ hói trên địa bàn TP. Huế đoạn qua phường Hương Hồ, Hương Long và xã Thủy bằng chủ yếu là bờ đất, chưa được đầu tư gia cố. Qua các đợt mưa lũ vừa rồi, do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới, ba thủy điện ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ phải điều tiết nước về vùng hạ du kết hợp với phần đất mái đã bão hòa nước lâu ngày làm sạt lở bờ rất nghiêm trọng.

Theo báo cáo từ UBND TP. Huế, do đợt mưa lớn vừa qua nên hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn sạt lở, hư hỏng nặng ảnh hưởng đến tình hình giao thông của người dân. Trong đó, tuyến đường vào thôn La Khê, Đại Nam (Thủy Bằng) sạt lở khoảng 100m; khu vực Long Hồ Thượng 2 (Hương Hồ) sạt lở khu vực sông Hương, sông Bạch Yến chiều dài khoảng 300m; sạt lở cống tại kiệt 69 Phạm Thị Liên (Kim Long)…, ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. Về tài sản người dân, do sạt lở bờ sông Hương tại Long Hồ Thượng 2 đã ảnh hưởng đến 2 hộ gia đình và 1 tịnh thất.

Theo Trưởng Phòng Kinh tế TP. Huế, hiện phạm vi sạt lở có những điểm đã ăn sâu đến gần nhà dân và nền đường giao thông, cuốn trôi hàng trăm mét vuông đất vườn, cây cối và các vật kiến trúc ảnh hưởng lớn đến đời sống, an toàn tính mạng của người dân trong khu vực. Trong đó, một số vị trí người dân đã tự đóng cọc tre, cọc bê tông bằng thủ công để ngăn sạt lở nhưng chỉ là biện pháp tạm thời, không đảm bảo kiên cố trong các đợt mưa lũ tiếp theo; các đoạn sạt lở này có nguy cơ tiếp tục mở rộng nếu không có biện pháp khắc phục triệt để.

Trước hiện trạng sạt lở và để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân ở các khu vực nói trên, chính quyền địa phương đã và đang triển khai xử lý khẩn cấp với yêu cầu thi công nhanh, gọn, kỹ thuật đơn giản để có thể huy động được người dân địa phương tham gia, đồng thời đáp ứng được yêu cầu hạn chế sạt lở lan rộng. Theo đó, đối với chân kè, phải giữ chân kè bằng lăng thể đá hộc và giữ mái kè bằng cách xếp rọ đá mạ kẽm kết hợp lót vải địa, gia cố móng rọ đá bằng cọc tre hoặc cọc tràm; đắp bù sạt lở mái kè bằng cấp phối đá dăm để đảm bảo thoát nước.

Cùng với việc xử lý khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn trước mắt cho người dân, hiện thành phố đang thành lập đoàn kiểm tra, nghiên cứu hiện trạng ở các điểm sạt lở, đồng thời xây dựng phương án xử lý, khắc phục lâu dài với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: