Giới thiệu mô hình icon - Bản tin KHCN&HTQT Quý II năm 2019

Đăng ngày: 26-06-2019 | Lượt xem: 7032
ICON (ICOsahedral Nonhydrostatic) là một dự án hợp tác giữa Cục Khí tượng Liên Bang Đức (DWD) và viện khí tượng Max-Planck (MPI-M) nhằm phát triển một hệ thống mô hình số dự báo thời tiết toàn cầu và mô hình khí hậu thế hệ tiếp theo. Mô hình ICON bắt đầu hoạt động trong hệ thống dự báo của DWD vào ngày 20 tháng 1 năm 2015 để thay thế cho mô hình GEM.

Với các biến dự báo như: mây, tuyết, sol khí, bức xạ, độ ẩm, mưa, nhiệt, khí áp và gió ở các mực khí quyển khác nhau, tốc độ gió cực đại 10m, tốc độ thẳng đứng… Mô hình ICON có tính bảo toàn tốt hơn so với những mô hình toàn cầu hiện có. ICON có khả năng kết hợp lưới lồng một chiều và hai chiều với nhau, kết hợp với một tùy chọn cho lồng dọc. Điều này cho phép lưới toàn cầu mở rộng vào tầng trung lưu (tạo điều kiện cho việc đồng hóa dữ liệu vệ tinh) trong khi các miền lồng nhau chỉ mở rộng vào tầng bình lưu để tiết kiệm thời gian tính toán. Khả năng ứng dụng với độ phân giải xuống 1km và có thể hơn thế.

Hình bên trái mô tả cấu trúc mô hình ICON bao gồm những lõi động lực, vật lý và những sơ đồ bình lưu, bước thời gian tính toán...

          Trong phạm vi dự án SWFDP, với vai trò là trung tâm dự báo quốc tế toàn cầu, phía DWD hằng năm luôn tổ chức các khóa đào tạo liên quan đến mô hình số dự báo quy mô khu vực cho các nước tham gia dự án. Nội dung chính của khóa tạo này là cài đặt mô hình toàn cầu ICON phiên bản mới nhất (phiên bản 2.3.00) bao gồm đầy đủ các thư viện cần thiết như OpenMPI, NetCDF, eccodes trên nền tảng Cray; chuẩn bị số liệu và điều kiện biên để chạy mô hình, hiển thị các sản phẩm dự báo, các cải tiến của mô hình khu vực ICON-LAM… Ngoài ra còn có những bài giảng lý thuyết giới thiệu về mô hình ICON như: động lực, bình lưu, mây, đối lưu, bức xạ, quá trình lan truyền sol khí… Khóa đào tạo này giúp cho các dự báo viên hiểu biết thêm về mô hình số nói chung, cũng như mô hình toàn cầu ICON và mô hình phân giải cao ICON-LAM, phục vụ công tác dự báo thời tiết hàng ngày, cảnh báo thời tiết nguy hiểm cũng như nghiên cứu khoa học.

Tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhằm mục đích phục vụ công tác dự báo thời tiết hàng ngày và nghiên cứu khoa học, sản phẩm dự báo của mô hình ICON được các dự báo viên khai thác và sử dụng hàng ngày bên cạnh những mô hình dự báo khác như: GSM, ECMWF, WRF, GFS. Ngoài ra mô hình ICON cũng chính là đầu vào để chạy mô hình khu vực COSMO, hỗ trợ cho công tác cảnh báo/dự báo thời tiết nguy hiểm (mưa lớn, gió mạnh) phục vụ Dự án trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) cho khu vực Đông Nam Á (SeA) của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).

Biên tập tin bài: Nguyễn Hữu Thành, Lưu Khánh Huyền - Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Vụ KHQT (Tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: