Việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cơ bản, lâu dài, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương xác định rõ mục tiêu của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nhà nước đổi mới, sáng tạo; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp và người dân được tự do sản xuất, kinh doanh theo pháp luật; lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu quan trọng nhất.
Các Bộ, ngành và địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan nhà nước cần xác định rõ những nội dung cần làm, tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, tôn trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, "nói đi đôi với làm"; tập trung chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương cũng cần tập trung tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng về hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về chăm lo sự nghiệp văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Đồng thời, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả mọi hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực tham ô, tham nhũng trong đơn vị mình; tích cực đổi mới công tác quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu, của từng cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng, công bố và tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương mình; xây dựng và nhân rộng những điển hình tiên tiến, phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng Bộ, ngành, địa phương.
Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đánh giá hằng năm, gắn với đánh giá thực hiện nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, địa phương và mỗi đơn vị.
Nguồn: VEA