Trang bị kỹ năng để giảm thiệt hại

Đăng ngày: 07-06-2022 | Lượt xem: 2194
Những năm qua, thiên tai nói chung, bão lũ nói riêng xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, diễn biến thời tiết, khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng, miền trong cả nước và không theo quy luật.

Hậu quả từ thiên tai ngoài nguyên nhân khách quan do khí hậu, địa mạo, sinh học thay đổi và tác động từ bên ngoài trái đất còn nguyên nhân chủ quan rất lớn do con người. Đó là nhận thức chưa đầy đủ của cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương trong ứng phó với thiên tai.

Công tác nghiên cứu, đánh giá, nắm bắt và kỹ năng tự phòng, chống của chính quyền và người dân còn nhiều hạn chế. Cá biệt, vẫn còn không ít sự chủ quan, lơ là, bỏ qua những khuyến cáo của cơ quan chức năng. Đặc biệt, khi xảy ra thiên tai, kỹ năng tự cứu mình của những người trong cuộc-bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai-còn nhiều hạn chế.

Ngập lụt tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTXVN

Đã bước sang tháng 6, bắt đầu thời kỳ cao điểm của thiên tai, nhất là bão lụt, mưa lũ, sạt lở đất. Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) cần được quan tâm, nâng cao hơn bao giờ hết. Trong đó, việc tuyên truyền, trang bị kỹ năng, nâng cao khả năng tự bảo vệ bản thân, gia đình, tự phòng, chống, bảo vệ của cộng đồng dân cư cần được chú trọng.

Thực tiễn chứng minh, nếu từng cá nhân, gia đình có đủ kỹ năng; nếu mỗi cộng đồng dân cư, mỗi địa phương có phương án phòng, chống thì chắc chắn hậu quả do thiên tai gây ra sẽ giảm đáng kể. Ngược lại, hạn chế về nhận thức, thiếu kỹ năng phòng ngừa, ứng phó... là những nguyên nhân làm gia tăng rủi ro, gây thiệt hại về người và tài sản. Những mất mát, thiệt hại, hậu quả đau lòng do thiên tai gây ra những năm gần đây vẫn ám ảnh tâm trí nhiều người.

Vì thế, cùng với việc rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch, phương án, bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ PCTT và tìm kiếm cứu nạn thì các cấp, ngành, địa phương cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai để tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, cần tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó tại chỗ với những tình huống cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm đồng bộ từ địa phương đến các công sở, doanh nghiệp, trường học... Chỉ có như vậy mới bảo vệ được tính mạng, tài sản, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mỗi người dân phải thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, kịp thời nắm bắt cảnh báo thiên tai, chủ động, tích cực tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về PCTT, kỹ năng cứu hộ-cứu nạn, sơ cấp cứu trong những tình huống khẩn cấp. Mỗi gia đình cần chủ động xây dựng, nâng cấp, gia cố nhà cửa, mở lối thoát hiểm, nắm vững các tuyến đường sơ tán đến nơi an toàn khi có tình huống; chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm. Từng cá nhân và cả cộng đồng dân cư nghiêm chỉnh tuân thủ các chỉ đạo của cơ quan chức năng về PCTT...

Chúng ta chưa thể ngăn ngừa được thiên tai nhưng nếu chủ động và có kiến thức, kỹ năng phòng, chống, chắc chắn thiệt hại do thiên tai sẽ giảm đáng kể và sớm khắc phục được hậu quả khi thiên tai đi qua, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/trang-bi-ky-nang-de-giam-thiet-hai-696597

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: