Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực Trung Bộ

Đăng ngày: 26-11-2024 | Lượt xem: 185
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 120/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.

Công điện nêu: Những ngày qua, tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở  đất, ngập lụt cục bộ, chia cắt giao thông, một số khu dân cư vùng thấp, trũng, ven sông suối bị cô lập do ngập sâu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Theo dự báo, trong 2 - 3 ngày tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh có thể xảy ra gió mạnh trên biển, nguy cơ mưa lớn, ngập lụt,  sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Trung Bộ.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho Lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, lãnh đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận các khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị thiếu đói.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chủ động cảnh báo, tổ chức di dời dân cư, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, các đối tượng yếu thế ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống.

Các địa phương tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập; sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân sơ tán, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Đồng thời, lãnh đạo các địa phương kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ theo đúng quy định; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục nhanh các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất, kinh doanh ngay sau mưa lũ.

Giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ này tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương chỉ đạo vận hành khoa học, an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, đồng thời lưu ý chủ động tích đủ nước cuối mùa lũ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

Bộ Quốc phòng huy động thiết bị bay không người lái hỗ trợ địa phương khảo sát các khu vực xung yếu để kịp thời phát hiện vết nứt, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét nhằm cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa, di dời dân cư đảm bảo an toàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó thiên tai theo nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan kịp thời đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai sớm khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống Nhân dân...

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: