Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia

Đăng ngày: 01-06-2019 | Lượt xem: 1146
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2020.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội trong phòng chống thiên tai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai, kết hợp giữa phòng chống thiên tai với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

thien tai
Ảnh minh họa

Trong đó, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, nâng cấp trang thiết bị về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhất là đối với hạn hán, lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, bờ biển; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển của các ngành, nâng cao hiệu quả đầu tư; làm cơ sở để tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nội dung của Kế hoạch gồm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng chống thiên tai; tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; lập quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với điều kiện từng vùng; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai; đầu tư củng cố cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai...

Cụ thể, thông qua các phương tiện truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho người dân về các loại hình thiên tai thường xảy ra và phương pháp phòng, chống; xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có, ưu tiên khu vực ven biển; xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo sớm đa thiên tai tại cộng đồng, có tính đến khả năng tiếp cận của tất cả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, điều kiện về địa lý tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và tập quán sinh hoạt của người dân ở từng vùng, miền khác nhau...
Theo Báo TN&MT
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: