Thủ tướng họp trực tuyến với 8 tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ

Đăng ngày: 05-12-2021 | Lượt xem: 1320
Thủ tướng yêu cầu các địa phương nắm chắc tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh và cuộc sống bình thường người dân và chống dịch.

Chiều 5/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với 8 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động –Thương Binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Dự họp tại đầu cầu các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, một lần nữa Thủ tướng chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do mưa lũ; chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố đã trải qua trong những ngày qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian vừa qua tình hình mưa lũ đã diễn ra và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu...tại 8 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chính phủ đã chỉ đạo và cử tổ công tác vào các tỉnh trong khu vực để cùng địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời Thủ tướng có Công điện chỉ đạo về việc này.

Tuy nhiên, do có lịch công tác quan trọng từ trước và do tình hình dịch bệnh nên Lãnh đạo Chính phủ không vào trực tiếp vào cùng địa phương phòng, chống lũ lụt. Thông qua cuộc họp này để Chính phủ nắm rõ hơn tình hình và có giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài phòng, chống lụt bão, trước mắt là khắc phục hậu quả mưa lũ trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt cuộc họp nhằm xem xét tình hình xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn các tỉnh; rà soát lại để hoàn thiện về thể chế, quy trình, quy định...xả lũ để khi xảy ra sự cố việc vận hành xả lũ được thực hiện hiệu quả; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của nhân dân trong công tác phòng chống lụt bão, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ ngày 27 - 30/11 mưa lũ đã làm 19 người chết, mất tích. Mưa lũ là 26 nhà bị sập, đổ; 25 nhà bị thiệt hại; 1.657 ha lúa 1.097 ha hoa màu bị thiệt hại, 2.648 con gia súc, 71.897 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 252 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 03 tàu cả và 02 xà lan bị chìm; 3.122km kè, 76.900 m kênh mương thủy lợi bị hư hỏng; 12.200m bờ sông, bờ suối bị sạt lở và 30 đập tạm bị sạt lở, hư hỏng, về giao thông đã bị ngập và sạt lở gây ách tắc 13 điểm trên các tuyến Quốc lộ, đường Trường Sơn Đông; 26 km đường giao thông bị sạt lở với 154.650m3 đất đá; hư hỏng 17 cống, 1 cầu giao thông.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết, đến nay tình hình mưa lũ đã giảm; cơ bản các tuyến đường đã thông xe; mực nước các sông đã xuống dưới báo động 1; người dân, chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất. Tuy nhiên việc khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn, do điều kiện địa phương hạn chế, trong thi thiệt hại lớn.

Đặc biệt, qua đợt mưa lũ vừa qua, bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: trên địa bàn các tỉnh, các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ khi có mưa lớn dễ xảy ra lũ lụt; công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện đảm bảo vận hành, thông tin và đảm bảo an toàn hạ du... khiến công tác phòng, chống lũ lụt hiệu quả chưa cao.

Sau khi các Phó thủ tướng, đại diện các Bộ, ngành phát biểu ý kiến về các giải pháp trước mắt và lâu dài hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, đặc biệt là về vấn đề thể chế, quy trình, quy định...xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Phát biểu kết luận cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức khó lường, không theo quy luật, khó kiểm soát, khó dự báo; với quy mô và tính phức tạp càng ngày càng cao, do đó gây hậu quả lớn. Ngay trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua, tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mưa lũ gây thiệt hại lớn.

Trước diễn biến mưa lũ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã chỉ đạo kịp thời, nhất là người đứng đầu, lực lượng Công an, Quân đội và nỗ lực của người dân đã ứng phó kịp thời với mưa lũ. Tuy nhiên, mưa lũ có cường độ cao, vượt mức lịch sử nên dù các lực lượng và nhân dân đã làm hết khả năng, song vẫn không tránh khỏi thiệt hại.

Trong thời gian sắp tới, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục bám sát, dự báo đúng tình hình, kịp thời để người dân biết chuẩn bị phòng chống, chuẩn bị tư thế sẵn sàng ứng phó với lũ trên thượng nguồn, triều cường và tinh toán xả lũ cho phù hợp.

Trươc mắt, tập trung lo bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không để người dân màn trời, chiếu đất, không để dịch bệnh ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, không để lũ lụt gây phát sinh dịch bệnh. Cấp ủy nắm chắc tình hình, kiểm tra đôn đốc, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phải gần dân, sát dân.

Thủ tướng yêu cầu, khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, nhất là vệ sinh, dọn dẹp môi trường, lực lượng dân quân du kích tự vệ, xử lý trường học, cơ sở y tế, thu gom xử lý rác thải, gia súc gia cầm chết, diệt khuẩn, khử trùng. Khắc phục sự cố, khôi phục điện, nước, thông tin liên lạc và các nhu yếu phẩm, hỗ trợ nhà ở cho những gia đình bị lũ cuối trôi nhà cửa. Khắc phục các công trình hạ tầng thiếu yếu, giao thông hồ đập, đảm bảo giao thông đi lại.  

Khôi phục sản xuất kinh doanh để người dân và doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, trường học phải khẩn trương khắc phục. Sơ kết đánh giá, đúc rút kinh nghiệm, vừa qua làm được gì, chưa làm được gì, sự phối hợp của các địa phương phải rất nhịp nhàng, hiệu quả.

Về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án chống lũ lụt, thiên tai ở miền Trung, sạt lở, sụng lún ở Nam Bộ, các thời tiết cực đoan ở miền núi phía Bắc, từ đó có dự án cụ thể, huy động nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế thiên tai; hoàn thiện quy trình vận hành hồ đập. Nâng cao năng lực dự báo cảnh báo lũ lụt, chủ động di dời khi vùng ngập quá sâu. Hỗ trợ người dân xây nhà, kết hợp phòng chống lụt, năng cao năng lực chỉ đạo điều hành tập huấn, diễn tập, khả năng thích ứng linh hoạt và ý thức; giáo dục nâng cao ý thức người dân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý các hỗ trợ khẩn cấp, về gạo tới các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi trước mắt mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo. Về tài chính, các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Tài chính tập hợp cùng rà soát, hỗ trợ an sinh xã hội, gia đình có người chết, sập nhà ở theo quy định, nếu địa phương không đủ nguồn, Trung ương hỗ trợ, trên tinh thần tiết kiệm, hài hòa, kịp thời, đúng đối tượng và bảo đảm thực chất, phát huy hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu đánh giá nơi nào cần di dời, quy hoạch lại để di dời, nhất là những nơi sạt lở, các địa phương phải chủ động việc này. 8 địa phương nắm chắc tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh và cuộc sống bình thường người dân và chống dịch./.

Nguồn: vov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: