Sớm cải tạo các công trình phòng, chống lụt bão tại Ninh Bình

Đăng ngày: 30-05-2019 | Lượt xem: 1449
Theo bạn đọc phản ánh, nhiều cống tiêu thoát nước, đê điều phòng, chống lụt bão tại tỉnh Ninh Bình đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có cả một số công trình trọng điểm. Nếu tình trạng nêu trên không sớm được khắc phục, thì mùa mưa bão năm 2019 đang tới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của nhân dân trong vùng.

Cống Mả Nhồi, xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão.

Cống Mả Nhồi nằm trên tuyến đê tả sông Điện Biên chảy qua xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô (Ninh Bình), hiện tại bị lùng đáy, mang cống rò rỉ, tường bên cánh cống bị sập. Ông Vũ Văn Tốn ở xã Khánh Thượng kể: Có năm mưa lớn, nước sông Điện Biên dâng rất cao, khiến người dân phải dùng nhiều bao tải đất lấp bịt miệng cống Mả Nhồi, mới chặn được nước lũ tràn vào đồng ruộng. Khi nước rút, lại phải huy động nhiều nhân lực vất vả moi móc đất đá lên để khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều người dân khác ở huyện Yên Mô cho biết: Cống Liên Trì ở xã Yên Hòa; cống Thọ Thái, xã Yên Hưng; cống Khai Khẩn, xã Yên Thắng (đều thuộc huyện Yên Mô) cũng xuống cấp nghiêm trọng, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) ở cơ sở. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Mô Phạm Trọng Nguyên cho biết: “Những ý kiến phản ánh của người dân về sự xuống cấp các công trình thủy lợi nêu trên là có cơ sở. Nguyên nhân là do hầu hết các cống tiêu, thoát nước ở huyện Yên Mô được xây dựng từ rất lâu, song chưa có đủ kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Hơn nữa, nhiều tuyến đê của huyện là công trình trọng điểm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu PCLB. Đó là tuyến đê tả sông Điện Biên có cao trình đê thấp, sáu cống dưới đê bị hư hỏng nặng, trong đó có cống Mả Nhồi. Hoặc tuyến đê sông Trinh Nữ dài 13 km, mặt đê rất nhỏ, mái dốc lớn, cao trình thấp, nhiều cống dưới đê như: Cống Hà Dương, cầu Lộc, cống ông Lập, ông Luyên... có tình trạng “bốn không” là không dàn van, không có bản đáy, không có tường đầu, không bảo đảm an toàn PCLB”.

Tại huyện vùng biển Kim Sơn, kè Chính Tâm cũng bị sạt lở; cống Tùng Thiện bị nứt tường, rò rỉ mang, thân cống yếu. Các vị trí như: Cống Quy Hậu, cống Lạc Thiện trên đê hữu sông Đáy; cống Kim Đài thuộc đê tả sông Vạc; tuyến đê biển Bình Minh III và các xã ven biển là Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải... đều được xác định là những điểm xung yếu, song đến nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu PCLB. Nhiều công trình trọng điểm ở một số huyện khác trong tỉnh cũng bị sạt lở như: Tuyến đê tả sông Mới đoạn từ cầu Xanh đến đường 481B, xã Khánh Cường; đoạn từ Cống Giếng Méo đến cầu Đầm và đoạn từ Km 5+110 đến Km 5+390 đê hữu sông Mới, thuộc huyện Yên Khánh. Hoặc tuyến đê hữu sông Bến Đang chảy qua phường Tân Bình (TP Tam Điệp) đắp bằng đất, thấp, chưa đủ cao trình đã bị tràn toàn tuyến vào năm 2017 khi có lũ lớn... Không chỉ có các công trình xuống cấp, mà qua thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai ở tỉnh Ninh Bình còn thấy rõ: Công tác chuẩn bị “bốn tại chỗ” ở một số huyện hạn chế, dẫn đến việc triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý ban đầu khi mưa bão xảy ra còn lúng túng; có huyện, thành phố trong tỉnh còn trông chờ, ỷ lại vào sự điều động của cấp trên. Việc cải tạo, nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập, cũng như bảo trì, tu bổ, sửa chữa công trình PCLB rất chậm. Hoặc việc kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, PCLB ở cấp huyện chưa được thực hiện kiên quyết, triệt để.

Biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ ở Ninh Bình. Khảo sát của ngành chức năng tỉnh Ninh Bình cho thấy: Tình trạng nước biển dâng diễn biến thất thường; xâm nhập mặn lấn sâu vào các cửa sông Đáy, sông Mới; lượng mưa phức tạp. Trước tình hình trên, tỉnh Ninh Bình cần sớm xem xét ưu tiên đầu tư kinh phí khẩn trương hoàn thiện các công trình trọng điểm PCLB, kết hợp xử lý các công trình cầu, cống thủy lợi, tuyến kè xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân sinh. Các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động xây dựng phương án PCLB phù hợp, hiệu quả và khắc phục ngay tình trạng chậm báo cáo những thiệt hại do thiên tai gây ra; kết hợp tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho người dân; chủ động triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: