Lực lượng Công an nỗ lực giúp dân vùng bị lũ lụt chia cắt

Đăng ngày: 06-09-2019 | Lượt xem: 1196
Trên các tuyến giao thông bị chia cắt do lũ, lực lượng CSGT đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn đối với người, phương tiện qua lại tại những nơi ngập lụt.

* Tại Quảng Bình, do mưa lớn đã gây nên tình trạng ngập lụt cục bộ, nhiều địa phương tại huyện Lệ Thủy, Minh Hóa và Tuyên Hóa đã bị chia cắt do lũ lớn, người dân đã và đang đối mặt với nguy cơ mất an toàn do lũ và thiếu lương thực, thực phẩm sinh hoạt.

Với diễn biến lũ ngày càng phức tạp, trong ngày 5-9, Công an tỉnh Quảng Bình đã chi viện 650 lượt cán bộ, chiến sỹ (CBCS) từ các đơn vị Cảnh sát cơ động, CSGT, PCCC&CNCH... trực tiếp do các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình triển khai xuống các huyện bị ngập sâu như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn cùng 15 xuồng máy để hỗ trợ, di dời dân ở các điểm xung yếu, ngập sâu, các điểm sạt lở.

Cùng lúc, Công an các huyện, thị xã trên địa bàn cũng chủ động thực hiện các phương án ứng phó với mưa lũ và tự bảo quản tài sản, tài liệu và các mục tiêu, công trình trọng điểm; bố trí quân số với 1.100 lượt CBCS phối hợp với các lực lượng khác để giúp dân; huy động 11 ca nô, tổ chức chốt chặn tại các địa bàn xung yếu; kiểm soát các ngầm, tràn, đường bị ngập, đò dọc; vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, bị lũ lụt chia cắt, cô lập.

Đặc biệt, vào khoảng 3h sáng 5-9, sau khi nhận được thông tin có bệnh nhân cần đưa đi cấp cứu, lực lượng Công an huyện Tuyên Hóa đã kịp thời đưa ông Đoàn Đình Khôi (67 tuổi, ở thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa) bị nhồi máu cơ tim đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba; đưa cháu Nguyễn Gia Khánh (5 tuổi, ở thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa) đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình. Nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông Khôi và cháu Khánh đã qua cơn nguy kịch.

Trên các tuyến giao thông bị chia cắt do lũ, lực lượng CSGT đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn đối với người, phương tiện qua lại tại những nơi ngập lụt. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng cắm biển cảnh báo tại các điểm ngập, điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh và QL12A...

Đối với người dân ở các vùng bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, lực lượng Công an đã tiếp ứng lương khô, hàng ngàn gói mì tôm và nước uống để đảm bảo người dân không bị đói, thiếu nước trong thời gian lũ. Riêng tại vùng lũ thị xã Ba Đồn, lực lượng Công an đã trực tiếp ứng cứu 500 bánh lương khô, 1.800 gói mì tôm và 30 thùng nước uống cho người dân vùng rốn lũ thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên và thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn.

Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiếp ứng cho các địa phương bị ngập sâu huyện Lệ Thủy, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch với 1.000 thùng mì tôm, 500 thùng nước uống và 200 thùng lương khô.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có mặt tại vùng rốn lũ động viên, thăm hỏi người dân.

* Ngày 5-9, tình hình mưa lũ trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn diễn biến rất phức tạp. Mưa lớn chưa có dấu hiệu ngớt, nước các sông, suối đầu nguồn tiếp tục đổ về gây ngập lụt nặng ở nhiều địa bàn.

Lượng mưa đo được trong ngày 5-9, tại các trạm khí tượng thủy văn Hà Tĩnh: Linh Cảm 496,1mm; Sơn Kim 431,4mm; Sơn Diệm 373,8mm; Hương Trạch 1.063,1mm; Chu Lễ 822,1mm; Hòa Duyệt 811,6mm; Thạch Đồng 732,7mm; Cẩm Nhượng 714,3mm; Hà Tĩnh 938,2mm; Kỳ Anh 618,5mm; Hương Sơn 410,6mm; Hương Khê 912,7mm; Hoành Sơn 308,5mm.

Do mưa lớn lượng nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng tăng cao. Mực nước tại hồ Kẻ Gỗ đạt 23,54/32,5m (W=132/345 triệu m3, đạt 38,2% thiết kế); Sông Rác 18,4/23,2m (W=60,63/124,5 triệu m3, đạt 48,7% thiết kế); Kim Sơn 96,78/97m (W=16,9/17 triệu m3, đạt 100% thiết kế); Thượng Sông Trí 30,35/32m (W=19,45/25,4 triệu m3, đạt 76,6% thiết kế).

Tính đến 17 giờ chiều 5-9, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có 29 xã bị ngập, trong đó: huyện Hương Khê có 18 xã (7 xã bị ngập sâu: Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Gia Phố); huyện Hương Sơn 6 xã (Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Phú, Sơn Bình; huyện Vũ Quang có 4 xã và xã Song Lộc, huyện Can Lộc.

Trong hai ngày qua, tỉnh Hà Tĩnh đã dừng tất cả các cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành và địa phương đã xuống tận các vùng ngập lụt để chỉ đạo chống lũ, có phương án giúp đỡ người dân với phương châm phát huy hiệu quả “4 tại chỗ” trong phòng chống lũ. Với chủ trương mỗi cơ quan, đơn vị gắn với một địa phương vùng lũ, Hà Tĩnh đang triển khai nhiều biện pháp để không có địa phương nào, hộ gia đình nào phải chịu đói, khát do lũ gây ra.

Tại một số xã bị ngập sâu trong lũ như Đức Giang, Đức Bồng, Đức Lĩnh (có 440 hộ dân bị nước lũ cô lập), lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp đến tận nơi kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa lương khô, mỳ tôm, nước uống đến phát tận từng hộ gia đình. Tại xã Phương Mỹ, nơi được coi là rốn lũ ở Hà Tĩnh, lãnh đạo địa phương đã có phương án di tản người dân lên các trụ sở cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, đồng thời lực lượng Công an có phương án bảo đảm an toàn tài sản cho nhân dân.

Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân vùng lũ, bên cạnh cắt cử hàng trăm cán bộ, chiến sỹ xuống các vùng ngập lụt hỗ trợ giúp đỡ nhân dân sơ tán, di chuyển tài sản, đồ dùng sinh hoạt, Công an Hà Tĩnh đã thành lập các tổ công tác tăng cường tuần tra, kiểm tra, phân luồng, đảm bảo ATGT; tuyệt đối không để người và phương tiện tham gia giao thông qua các đập tràn, cầu cống, đoạn đường thấp trũng bị úng ngập, tuyên truyền, nghiêm cấm không để nhân dân vớt củi, gỗ... trên sông.

Tại Quảng Bình, nước lũ sông Gianh đang dâng cao làm ngập ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại huyện miền núi Minh Hóa và huyện Tuyên  Hóa nước lũ vẫn đang chia cắt, cô lập nhiều xã nơi đây. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ vật lộn với dòng nước lũ, chúng tôi đã có mặt tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Nước lũ dâng cao đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở Tân Hóa.

Nhiều mái nhà nước ngập tới nóc, người dân may mắn được lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng sơ tán kịp thời lên các nhà công sở cao tầng kiên cố, hoặc lên các đồi núi cao trong khu vực. Với phương châm không để người dân nào trong vùng lũ đói, khát nên tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo lực lượng chức năng dùng ca nô, tàu thuyền đưa lương thực, nhu yếu phẩm vào ủng hộ, giúp đỡ người dân.

Trong ba ngày qua, Công an tỉnh Quảng Bình đã triển khai lực lượng gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ về các vùng xung yếu, lũ lớn để giúp đỡ người dân phòng chống lũ. Tại huyện Minh Hóa, Công an địa phương đã dùng ca nô sơ tán hơn 100 hộ gia đình ở xã Tân Hóa ra khỏi khu vực nguy hiểm lũ dữ. Bên cạnh sơ tán người dân tránh lũ, Công an huyện Minh Hóa đã tổ chức thu mua lương thực, thực phẩm giúp đỡ người dân vùng lũ tránh xảy ra đói, rét.

Ngay trong ngày 5-9, Công các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn đã cử các đội công tác dùng phương tiện đường thủy tiếp cận người dân các vùng lũ lụt để giúp đỡ bà con. Bên cạnh việc trao hỗ trợ mỳ tôm, cơm hộp, nước uống cho người dân, lực lượng Công an còn ở lại bám trụ trong vùng lũ với người dân để hỗ trợ người dân khi có yêu cầu.

Đại tá Trần Hải Quân - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, bên cạnh việc chỉ đạo các lực lượng giúp dân sơ tán về các nơi an toàn và các biện pháp ứng phó với mưa lũ, Công an các đơn vị ở Quảng Bình đã và đang tham mưu cho chính quyền địa phương gấp rút thực hiện các biện pháp cấp bách để chủ động đối phó với mọi tình huống xấu do lũ lụt, sát cánh cùng người dân ở các địa phương vùng lũ vượt qua khó khăn, hoạn nạn do thiên tai gây ra.

Sáng 5-9, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Giám đốc Công an Hà Tĩnh, Đại tá Võ Trọng Hải đã đến thăm hỏi, động viên, cứu trợ nhân dân địa bàn xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê.

Hiện nay, ở "tâm lũ" Hương Khê, một số công trình đường giao thông, công trình thuỷ lợi bị ngập, hư hỏng: Cầu tràn, kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xóm Tân Hương, xã Hương Trạch bị xói lở; đường Huyện lộ 6 qua xã Hương Thủy bị xói lở; bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua các xã: Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Phương Mỹ, Hương Liên bị sạt lở; bờ sông Tiêm đoạn xã Hương Xuân bị sạt lở; cầu dân sinh thôn 12, xã Hương Lâm bị trôi hoàn toàn; mố cầu Cây Vải, thôn 4, xã Hương Lâm bị xói lở.

Đoàn đã đến thăm hỏi, động viên một số hộ dân trên địa bàn xã Phương Mỹ, đồng thời triển khai các phương án cứu trợ nhân dân ở vùng bị cô lập. Lực lượng Công an đã kịp thời giúp đỡ nhân dân, nhất là tại các địa bàn ngập sâu, nguy hiểm.

Tính đến 5h sáng 5-9, trên địa bàn toàn tỉnh  Hà Tĩnh có 29 xã bị ngập, trong đó: huyện Hương Khê có 18 xã (7 xã bị ngập sâu: Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Gia Phố); huyện Hương Sơn 6 xã (Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Phú, Sơn Bình; huyện Vũ Quang có 4 xã với 1.953 hộ bị cô lập (Đức Hương 977; Đức Liên 606, Đức Giang 250, Đức Bồng 120); huyện Can Lộc 1 xã Song Lộc.

Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đường đến trường bị chia cắt nên toàn tỉnh có hơn 300 trường ở 5 địa bàn dừng tổ chức khai giảng.

Trong đó, Hương Khê 61 trường với hơn 26 ngàn học sinh, Hương Sơn 78 trường với hơn 26 ngàn học sinh, Vũ Quang 32 trường với hơn 6 ngàn học sinh; TP Hà Tĩnh 49 trường, hơn 24.600 học sinh; Thạch Hà 45/76 trường, hơn 14 ngàn học sinh; Can Lộc 26/58 trường, hơn 12.500 học sinh.

Ngoài ra, ở Đức Thọ có 2 trường mầm non do địa bàn chia cắt và Trường THCS Xuân An ở Nghi Xuân do bị ngập nước sân trường nên dừng khai giảng.

Do mưa lũ, hơn 550 trường không thể tổ chức khai giảng đúng ngày

Sáng 5-9, trên địa bàn 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình nhiều nơi vẫn còn ngập sâu trong nước lũ, vì vậy các địa phương không thể tổ chức khai giảng cho con em đến trường.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, chỉ có 400/712 trường học từ mầm non đến phổ thông các vùng đồng bằng ở tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019-2020, còn hơn 300 trường học còn lại ở các huyện như Hương Khê, Vũ Quang… đã không thể tổ chức lễ khai giảng do lũ lụt, dù trước đó các địa phương, thầy cô giáo và phụ huynh đã chuẩn bị tương đối đầy đủ chương trình cho ngày lễ khai giảng đầu năm.

Tại Quảng Bình, cũng chỉ có 379 trường học tổ chức lễ khai giảng, còn 239 trường học với gần 90.000 học sinh đã không thể tới trường làm lễ khai giảng do nước lũ ngập hết trường, lớp học. Hiện nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngập sâu trong lũ lụt, chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực phòng chống lũ.

Sông Lam

Theo cand.com.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: