Khoảng 10 cơn bão dồn dập vào cuối năm

Đăng ngày: 30-07-2020 | Lượt xem: 3227
Thông tin trên được ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra.

 

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị vào sáng 30/7. Ảnh: Minh Phúc.
 

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị vào sáng 30/7. Ảnh: Minh Phúc.

Dự báo mưa, bão, lũ các tháng cuối năm

Ngày 30/7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho các lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ còn khoảng 10 cơn bão nữa và tập trung dồn dập vào thời điểm cuối năm. Còn với tình hình mưa, hiện một áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sẽ đi vào khu vực Bắc Biển Đông gây mưa.

Riêng khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế được dự báo sẽ có đợt mưa lớn nhất từ đầu năm, thời gian mưa từ 2 đến 3 ngày. Đối với Bắc bộ, mưa sẽ xuất hiện trên diện rộng và kéo dài trong khoảng 10 ngày tới.

Mưa tập trung chủ yếu trong tháng 8 và tháng 9, dự báo đỉnh lũ trên sông Lô, sông Hồng sẽ ở mức báo động 1, báo động 2 và cao hơn so với năm 2019. Đỉnh lũ trên sông Thao, sông Hoàng Long, sông Chảy sẽ ở mức báo động 2, báo động 3.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo về tình hình mưa, bão, lũ tại hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.
 

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo về tình hình mưa, bão, lũ tại hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Còn tại các tỉnh Bắc Trung bộ, lượng mưa tháng 10 được dự báo cao hơn năm 2019. Riêng khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xuất hiện những đợt mưa to đến rất to vào 3 tháng cuối năm, do dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh.

Theo ông Trần Quang Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), từ ngày 20 - 21/7, tỉnh Hà Giang xuất hiện mưa to đến rất to, lượng mưa lên tới 350mm trong 10 giờ, gây lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt; thiệt hại ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia và dự báo theo số liệu thống kê, chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, mưa, lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra mưa dặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ lớn, gây mất an toàn hệ thống đê điều. Vì vậy, cần sẵn sàng phương án ứng phó hộ đê, phòng chống thiên tai lụt, bão.

Năm 2019, mặc dù không xảy ra lũ lớn trên hệ thống sông, tuy nhiên, trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đã xảy ra trên 40 sự cố, trong đó có nhiều sự cố nghiêm trọng, uy hiếp an toàn tuyết đê.

Và trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước tiếp tục xảy ra 17 sự cố đê điều như sạt lở bờ kè Bầu đê tả Cầu (tỉnh Bắc Giang); sạt lở kè Mai Xá đê tả Luộc (Hưng Yên); nứt đê tả Đáy (tỉnh Hà Nam); sạt lở kè Nguyên Lý (Hà Nam) và kè Cao Mật đê tả Văn Úc (Hải Phòng).

Theo kế hoạch, năm 2020, nhà nước sẽ bố trí 150 tỷ đồng để tu bổ nâng cấp các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; đã bố trí 442 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng đê điều. Cùng với đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã và đang tiếp tục kiểm tra để thực hiện xử lý một số sự cố theo thực tế phát sinh.

Hệ thống đê điều Việt Nam hình thành rất lâu đời, chủ yếu đê đắp đất

Đối với công tác xử lý cấp bách các sự cố đê điều do ảnh hưởng của mưa lũ năm 2017, Thủ tướng đã có Quyết định số 1044 ngày 17/8/2018 hỗ trợ 1.300 tỷ đồng để xử lý cấp bách các công trình đê điều. Đến nay các địa phương đã hoàn thành đưa công trình vào chống lũ năm 2002.

Tuy nhiên cả nước vẫn còn khoảng 230 trọng điểm, vị trí xung yếu đê điều và khoảng 400km đê thiếu cao trình thiết kế; 683km đê mặt cắt nhỏ hẹp, trên 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 459 cống dưới đê xung yếu.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 202 trận dông, lốc, mưa lớn. Trong đó có 9 đợt diện rộng tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ; 9 trận lũ quét, sạt lở đất; 24 trận động đất; 12 trận mưa lớn, ngập úng, lũ cục bộ...

Mưa lũ ở Hà Giang những ngày qua gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: TL.
 

Mưa lũ ở Hà Giang những ngày qua gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: TL.

Thiên tai đã làm 53 người chết, 137 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra diễn biến thiên tai lũ, bão trên thế giới và trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp.

Cơn bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản vào tháng 10/2019 đã gây mưa lũ lớn, nhiều tuyến đê bị tràn, gây ra vỡ đê tại trên 140 vị trí. Khu vực miền Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều khu vực đê cũng đã bị tràn và vỡ gây ngập lụt diện rộng, để lại hậu quả rất nặng nề.

Qua thực tế chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng, là người trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ đầu giờ.

Nơi nào các lực lượng làm công tác đê điều có kinh nghiệm, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, phát hiện báo cáo và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ đầu những hư hỏng của đê điều, chỉ đạo, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” thì sẽ hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra.

Do vậy công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê hàng năm, để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ bão, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất cần thiết.

Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) lưu ý, hệ thống đê điều của chúng ta hình thành từ rất lâu đời, chủ yếu đê đắp đất. Và bên dưới công trình đất là các cống, kè.

Trong quá trình sử dụng, khai thác hệ thống đê điều thường xuyên xảy ra các sự cố thường gặp như đùn sủi chân đê, đùn sủi thẩm lậu, nứt mái đê, sạt tổ mối, sạt trượt mái đê... tất cả sự cố đều gây mất an toàn hệ thống đê điều.

Nguyên tắc trong phát hiện, xử lý sự cố đê điều là phát hiện sớm, xác định đúng nguyên nhân và đề ra biện pháp kỹ thuật xử lý đồng thời tổ chức xử lý sự cố chính xác ngay từ giờ đầu thành công. Đây là 3 khâu đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định kết quả công tác xử lý cứu hộ đê. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ vật tư hộ đê trước mùa mưa lũ.

Theo nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: