Hoàn thiện Dự thảo hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

Đăng ngày: 10-06-2019 | Lượt xem: 1304
Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Bão lũ thiên tai năm 2018 đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng (Ảnh TL)

Theo đó các địa phương thuộc tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn và các tỉnh Tây Nguyên sẽ được hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) để khắc phục hậu quả thiên tai.

Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg được ra đời năm 2016, tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, đã có một số hạn chế phát sinh phải sửa đổi cho thực tế hơn với nhu cầu và hoàn cảnh của các tỉnh, trong đó có các tỉnh nghèo thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Trước đây, theo quy định của Quyết định 01/2016/QĐ-TTg, kinh phí hỗ trợ cho các địa phương được xác định dựa trên nguyên tắc chung là chỉ xem xét hỗ trợ đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương (NSĐP). Để khắc phục khó khăn của 1 số địa phương nghèo có tính chất đặc thù, Dự thảo quyết định mới sẽ xử lý triệt để những hạn chế, vướng mắc trong quá trình hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương (NSTW) cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai như công tác thống kê, tổng hợp thiệt hại do thiên tai, cơ chế, nguyên tắc và quy trình hỗ trợ kinh phí từ NSTW công tác phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí được hỗ trợ của các địa phương.

Dự thảo sửa đổi lần này cũng quy định rõ: Các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn và các tỉnh Tây Nguyên được hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN); các tỉnh, thành phố nhận bổ sung cân đối từ NSTW, NSTW hỗ trợ tối đa 70% phần hỗ trợ từ NSNN; các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW dưới 50%, NSTW hỗ trợ tối đa 50% phần hỗ trợ từ NSNN; các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW từ 50% trở lên, chủ động sử dụng NSĐP và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện.

Về hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, Dự thảo sửa đổi lần này cũng quy định: Mức hỗ trợ tối đa, trường hợp thiên tai xảy ra trên diện rộng hoặc xảy ra nhiều đợt trong năm, nhu cầu hỗ trợ lớn, vượt quá khả năng dự phòng NSTW thì Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức hỗ trợ theo khả năng cân đối của NSTW.

Theo thống kê, năm 2018 thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất, 9 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng. Bão lũ thiên tai năm 2018 cũng đã làm làm 218 người chết và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng.

Theo congluan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: