Hiện hữu nỗi lo từ hàng loạt cống qua đê bị hư hỏng

Đăng ngày: 30-08-2021 | Lượt xem: 2299
Những cống cũ nát, hư hỏng trên các tuyến đê dễ gây ra các điểm lồng thủng, sạt trượt và các sự cố nguy hiểm cho đê. Trên địa bàn tỉnh đã từng ghi nhận nhiều sự cố đê nguy hiểm xuất phát từ các cống, mà điển hình là vụ vỡ đê Cầu Chày qua địa bàn xã Xuân Minh (Thọ Xuân) vào tháng 10-2017, đe dọa hàng nghìn hộ dân trong vùng. Nguyên nhân được xác định là tại thời điểm này, cống Quang Hoa trên đê đang được thi công chưa hoàn thiện, đơn vị thi công lấp đất thành cống sơ sài gây lồng thủng lớn dẫn tới vỡ đê.

Đê sông Cầu Chày tại vị trí cống Quang Hoa thuộc xã Xuân Minh (Thọ Xuân) bị vỡ đã được kiên cố vào tháng 10-2017 (ảnh tư liệu).

Thống kê từ Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.008km đê sông và biển; trong đó, 315km đê từ cấp III đến cấp I, còn lại là đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê được phân bổ hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, hiện có 1.118 âu và các cống qua đê. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh nên phần nhiều các tuyến đê được kiên cố, kéo theo các âu và cống trên đê cũng được xây dựng hiện đại, vững chắc để bảo đảm công tác lấy nước tưới, tiêu từ các dòng sông. Tuy nhiên, vẫn có thể kể đến hàng chục công trình cống qua đê hư hỏng, cũ nát, không bảo đảm an toàn cho phòng, chống thiên tai. Năm 2021 tuy chưa xuất hiện mưa bão thực sự lớn quét qua Thanh Hóa; tuy nhiên, không ai có thể dám chắc những tháng còn lại không còn sự cố thiên tai nguy hiểm.

Thọ Xuân là một trong những địa phương có chiều dài đê nhiều nhất tỉnh, đồng thời cũng là huyện được đầu tư kiên cố nhiều tuyến đê với nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, huyện ven sông Chu này vẫn còn 3 “nỗi lo” bởi các cống trên đê chưa thực sự an toàn. Tại địa bàn xã Trường Xuân, ở vị trí K16+140 trên đê hữu sông Cầu Chày, cống Nổ Đào được xây dựng từ năm 1965, hiện roong cao su cửa rèm phía sông đã bị hư hỏng, 1 ổ khóa phía đồng bị kẹt khó vận hành. Là cống hộp được thiết kế 2 cửa nhưng hiện cửa đóng không kín nước, đá lát mái bờ cống bị tróc lở. Cũng trên tuyến đê này, tại K21+940, cống Xốn có phần bê tông ở đỉnh và đáy cống đều bị nứt, lộ cả phần thép phía trong. Cống hộp được xây dựng từ năm 1992 này còn bị lồng mang, lồng đáy, sân cống phía hạ lưu bị xói lở nhẹ. Tường cánh cống được xây dựng bằng đá nhưng đã xuất hiện vết nứt rộng từ 1 đến 3cm. Ngay tại thị trấn Thọ Xuân, cống Tiêu Thủy trên đê hữu sông Chu ở vị trí K18+450 có cánh cửa tự động phía sông và ti van phía đồng bị han rỉ khó vận hành. Trong các đợt lũ những năm gần đây, lượng nước tiêu rất lớn nên mái tiêu và sân tiêu năng phía sông của cống thường xuyên bị hư hỏng, khó khăn cho tiêu nước nội đồng.

Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) bị ảnh hưởng khi cống Phúc Ngư trên đê biển hư hỏng.

Tại huyện Hoằng Hóa, cống Phúc Ngư trên đê biển xã Hoằng Trường hư hỏng từ nhiều năm nay, hiện công trình cũ này bị sụt mang cống, cửa cống bị vênh. Theo đó, vai trò ngăn nước mặn từ biển, thoát nước từ các cánh đồng và khu dân cư của địa phương khi có mưa lũ lớn không được hiệu quả. Tại xã Hoằng Phụ, cống Thủy Sản trên đê tả sông Mã tại K63+500 còn không có phai dự phòng. Đây là cống 2 cửa, được xây dựng vào năm 1996, đến năm 2018 được thay 1 bên cửa và ổ khóa. Hiện cánh cửa còn lại bằng nhựa Composite bị thủng 2 lỗ, đường kính lỗ thủng rộng khoảng 20cm. Vị trí cống này hiện được xếp vào trọng điểm đê điều loại III, cần được sửa chữa, khắc phục mới đáp ứng được yêu cầu phòng chống thiên tai.

Huyện Nông Cống không có các dòng sông lớn, nhưng cũng có 2 cống trên các đê không bảo đảm an toàn mùa mưa lũ. Cống Hón tại K31+500 trên đê tả sông Nhơm thuộc xã Trung Chính không có phai dự phòng, bị thủng tường thân, lùng mang. Trên đê tả sông Yên thuộc xã Minh Nghĩa, cống Minh Châu cũng không có phai dự phòng, sân tiêu năng cả phía thượng và hạ lưu đều hỏng hoàn toàn. Công trình này còn bị lung đáy, lung hai bên mang cống.

Những tháng gần đây, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình cống cũ nát và hư hỏng qua đê. Đồng thời, yêu cầu các địa phương có công trình phải xây dựng phương án phòng, chống thiên tai cho từng công trình trọng điểm này. Cùng với đó, các địa phương cũng được giao chuẩn bị vật tư tại chỗ như bao cát, phên liếp, rơm rạ... để xử lý ngay khi có sự cố xảy ra với đê. Chi cục Đê điều tỉnh cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật xử lý các sự cố cống dưới đê, như: Khắc phục nước rò rỉ qua van và khe van, cách bảo đảm an toàn tạm thời khi cánh cống hoặc tấm phai bị gãy, xử lý mạch sủi hay lỗ phụt trong lòng cống...

Theo BaoThanhhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: