Đồng bằng sông Cửu Long: Lo nước ngọt mùa hạn mặn

Đăng ngày: 26-02-2021 | Lượt xem: 1092
Những ngày cuối tháng 2, vùng ĐBSCL bước vào giai đoạn ảnh hưởng khá nặng của đợt xâm nhập mặn mới; trong đó, độ mặn 4g/l có khả năng vào các cửa sông Cửu Long từ 48 - 70km. Trước tình hình trên, ngành chức năng và người dân khẩn trương các phương án ứng phó với hạn mặn, đẩy mạnh tích trữ nước ngọt.

Nhờ chuyển đổi sản xuất hợp lý, nông dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng được vụ hoa màu. Ảnh: TUẤN QUANG

Chủ động sản xuất 

Trở lại vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau vào những ngày này, chúng tôi thấy nhiều cánh đồng lúa của người dân đang phát triển tốt, sắp đến kỳ thu hoạch. Ghé nhà ông Lê Văn Bình (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), ông Bình phấn khởi nói: “Nhờ chủ động sớm nên năm nay nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa đảm bảo. Còn vài ngày nữa là thu hoạch, vừa được năng suất cao vừa được giá nên ai nấy đều mừng”. 

Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Nguyễn Quốc Đoàn, năm nay, ngành chức năng và nông dân ý thức từ sớm nên tích trữ nước và cơ cấu lại mùa vụ, từ đó không xảy ra cảnh thiếu nước. Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lúa vùng ngọt hóa, trung tâm đã phối hợp với địa phương điều tiết nước, sửa chữa hệ thống cống thủy lợi, nhất là ở ven biển Tây, không để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Vì vậy, việc sản xuất nông nghiệp đến thời điểm này tương đối ổn định. 

Tại huyện Long Phú (Sóc Trăng), nhiều nông dân xã Châu Khánh vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Văn Tẩng (63 tuổi) cho biết: “5 công đất này trước đây trồng lúa và thường gặp khó mỗi khi hạn mặn đến sớm. Gần đây, gia đình tôi trồng dưa leo và tích trữ nước ngọt, đào ao, khoan giếng khoan nhỏ dự phòng cho trường hợp cấp bách. Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống tưới phun bằng ống ni lông, kết hợp phủ rơm bề mặt liếp để giữ ẩm. Trồng dưa theo cách này, chỉ hơn 1 tháng là thu hoạch, năng suất bình quân 5 - 6 tấn/công; nếu giá dưa ở mức 5.000 đồng/kg sẽ thu về hàng chục triệu đồng/công, mức lợi nhuận hấp dẫn trong mùa hạn mặn”. 

Ở xứ hoa kiểng và cây giống Chợ Lách (Bến Tre), nhiều ngày qua nông dân đã đào ao, mua túi trữ nước để sẵn. Ông Nguyễn Chí Tâm, chủ cơ sở cây giống Tấn Tài (xã Phú Sơn), cho biết: “Từ trước tết, gia đình tôi đã thuê nhân công đào ao, dùng bạt công nghiệp trải dưới đáy để chứa 1.000m3 nước ngọt với chi phí 40 triệu đồng, phục vụ tưới tiêu cho mùa khô năm nay”.

Nhiều phương án ứng phó  

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, sở đã cho vận hành toàn bộ hệ thống cống trên địa bàn nhằm ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo phục vụ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt ở đô thị cùng nông thôn. Tỉnh Kiên Giang cũng triển khai gia cố, đắp mới gần 180 đập tạm, đồng thời, sẵn sàng vật tư để đắp đập tạm kênh Ông Hiển (huyện Châu Thành), đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt cho TP Rạch Giá và các vùng phụ cận. Huyện U Minh Thượng triển khai lắp đặt và vận hành 8 máy bơm nước dự trữ nước ngọt, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 13.000ha đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, năm nay được cảnh báo hạn mặn từ sớm nên ngành nông nghiệp chủ động các kịch bản ứng phó. Bạc Liêu đang phối hợp với Sóc Trăng và Cà Mau vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và các cống phân ranh mặn - ngọt trong khu vực liên tỉnh. Đồng thời, triển khai đắp các đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ sản xuất ở những nơi bị ảnh hưởng; vận hành linh động hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất… Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho hay, để phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2020-2021, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành nạo vét hệ thống thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt liên huyện ở Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, thị xã Ngã Năm (chi phí 88 tỷ đồng); hoàn thành cống Ngan Rô, nạo vét các tuyến kênh ở huyện Trần Đề (chi phí 152 tỷ đồng); ngoài ra, còn nạo vét nhiều công trình thủy lợi khác.

Đến cuối năm 2020, ở Sóc Trăng có 18.376 hộ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Do đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã mở rộng 123km đường ống cấp nước cho 3.275 hộ, với kinh phí 30 tỷ đồng, hiện tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 315km đường ống, cung cấp nước sinh hoạt cho 9.578 hộ, kinh phí 45 tỷ đồng... 

Tại Cà Mau, để chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, mở rộng và đầu tư hệ thống cấp nước tập trung. Huy động các nguồn lực đầu tư bồn nhựa 10m3, túi nhựa dẻo 15 - 30m3 đặt tại địa điểm tập trung như UBND xã, nhà văn hóa… để cung cấp nước cho người dân khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước cho người dân bị ảnh hưởng, ưu tiên các hộ nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển. 

Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đang khẩn trương hoàn thành nhiều cống ngăn mặn bảo vệ cánh đồng lúa 12.000ha ở huyện Giồng Trôm và một phần huyện Ba Tri. Các cống ngăn mặn ở An Hiệp, Sơn Đông (TP Bến Tre) đã thi công xong và sẵn sàng khép kín khi mặn đến; chuẩn bị phương án đắp đập tạm sông Ba Lai nếu mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Ở huyện Ba Tri khuyến cáo bà con chỉ sản xuất 2 vụ, đến nay đã thu hoạch xong, riêng vụ 3 không khuyến cáo sản xuất nhằm tránh bị thiếu nước tưới.

Theo sggp.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: