ĐBSCL chạy đua chống sạt lở

Đăng ngày: 14-11-2022 | Lượt xem: 2639
Do biến đổi khí hậu, cộng với tác động của con người khiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để công tác chống sạt lở cho khu vực hiệu quả hơn.

Đê bao chống sạt lở kết hợp làm đường giao thông nông thôn ở xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Đê bao chống sạt lở kết hợp làm đường giao thông nông thôn ở xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Thiên tai kết hợp nhân tai

Ven theo bờ sông Hậu, sông Tiền, không khó để nhìn thấy cảnh nhà dân, đường sá chực chờ bị nước sông cuốn trôi; tình trạng ngủ một đêm sáng ra mất nhà, mất đường không còn hiếm gặp. Ở Vàm Kim Quy - Tiểu Dừa (xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang), có hàng chục nhà dân cứ mỗi năm lại phải dời sâu vô trong cả chục mét để tránh bị sông “nuốt”.

Tại tỉnh Cà Mau, đoạn từ cống Kênh Mới hướng về Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 1,5km. Hiện nay, đoạn đê này đai rừng còn rất mỏng, có điểm đã sạt lở đến chân đê, gây nguy hiểm đến thân đê. Nếu không có giải pháp bảo vệ sớm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Khu di tích Đá Bạc, khu dân cư tập trung vàm Đá Bạc, vùng ngọt hóa diện tích 500ha… Còn tại Tiền Giang, thời gian qua, sạt lở bờ sông Ba Rài trên địa bàn các xã Cẩm Sơn và Hội Xuân (huyện Cai Lậy) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều đoạn của huyện lộ 54B và 54C, trong đó nhiều điểm sạt lở lấn sâu đến tận nhà dân, giao thông bị chia cắt. Tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng là 2 địa phương đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu có tổng số điểm sạt lở nghiêm trọng nhiều nhất khu vực ĐBSCL. Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, chỉ tính riêng tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), từ năm 1985-2020, diện tích đất bị sạt lở hơn 180ha, trung bình mất khoảng 4,8ha/năm.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL có khoảng 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610km. Trong đó, 127 điểm đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 127km, 137 điểm nguy hiểm với chiều dài 193km. Khai thác cát là một trong 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở hiện nay. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng diễn ra khá phổ biến ở vùng ĐBSCL. Theo Bộ TN-MT, vùng ĐBSCL hiện có 7.733 giếng khoan với công suất mỗi giếng khoảng 10m³/ngày, là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, tác động không nhỏ tới sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cấp bách phòng chống

Theo ông Hà Huy Anh, chuyên gia dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL, dù hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay là không bền vững, nhưng việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi. Bởi cát sông là đầu vào quan trọng cho nền kinh tế của vùng (xây dựng cao tốc, tỉnh lộ, san lấp mặt bằng cho các dự án nhà ở, khu công nghiệp...). Việc phát triển các vật liệu thay thế cát sông đang còn rất non trẻ ở Việt Nam, chưa được sử dụng phổ biến.

Trong khi đó, giải pháp trồng rừng, gia cố bờ sông đang được các địa phương chú trọng. Ban Quản lý rừng tỉnh Kiên Giang dự kiến kế hoạch trồng rừng bãi bồi, rừng phòng hộ ven biển, với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 trồng 63ha rừng hỗn giao, gồm cây mắm và cây bần tại bãi bồi ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh với tổng nhu cầu vốn đầu tư 20,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ. Các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, TP Cần Thơ cũng ưu tiên những nơi còn có đai rừng bảo vệ thì gia cố trồng thêm; nơi nào không còn thì chọn giải pháp cứng hóa 3 mặt đê bao ngăn sạt lở (bên ngoài, bên trong và mặt đê). Chiều cao thân đê cũng được các địa phương thống nhất điều chỉnh từ 1,6m lên khoảng 2,2m để thích ứng với kịch bản nước biển dâng…

Theo Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, các giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã được đề cập gồm: tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát; tổ chức trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước và xây dựng hồ chứa thượng nguồn đối với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công…

Chi hàng chục ngàn tỷ đồng chống sạt lở

Theo Bộ NN-PTNT, ước tính, giai đoạn 2021-2025, các tỉnh thành ĐBSCL sẽ phải chi hàng chục ngàn tỷ đồng để trồng rừng và xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cụ thể, giai đoạn 2018-2021, ngân sách trung ương đã hỗ trợ ĐBSCL trên 6.200 tỷ đồng chống sạt lở.

Hiện tại, vùng ĐBSCL cần thêm khoảng 8.200 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 76 điểm sạt lở. Các tỉnh, thành có chi phí dự kiến chống sạt lở cao là: Kiên Giang 14.700 tỷ đồng để triển khai 200 công trình; Cần Thơ đã hoàn thành đầu tư 10 dự án kè chống sạt lở với chiều dài gần 18,5km, kinh phí 2.639 tỷ đồng; Bạc Liêu cần hơn 19.200 tỷ đồng để thực hiện Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, được chia làm 2 giai đoạn thực hiện từ nay tới năm 2030…

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//dbscl-chay-dua-chong-sat-lo-856069.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: